MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có ấn phẩm đầu tiên trình bày sâu về khía cạnh kinh tế và chính sách biến đổi khí hậu

04-12-2017 - 09:48 AM | Xã hội

Cuốn sách chuyên khảo “Kinh tế và Chính sách Biến đổi khí hậu” do GS.TS. Trần Thọ Đạt và TS. Vũ Thị Hoài Thu biên soạn được Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân ấn hành năm 2017 là ấn phẩm đầu tiên ở Việt Nam trình bày chuyên sâu về các khía cạnh kinh tế và chính sách của vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Biến đổi khí hậu đang là chủ đề thu hút sự quan tâm trên toàn cầu. Nếu thử tìm kiếm với từ khóa biến đổi khí hậu (climate change) trên Google sẽ nhận được 194.000.000 kết quả chỉ trong 0,44 giây, cao hơn nhiều so với những vấn đề cũng đang được quan tâm hiện nay như nghèo (poverty) với 188.000.000 kết quả (trong 0,41 giây), tăng trưởng kinh tế (economic growth) với 148.000.000 kết quả (trong 0,46 giây), lạm phát (inflation) với 101.000.000 kết quả (trong 0,37 giây) và thất nghiệp (unemployment) với 87.700.000 kết quả (trong 0,32 giây).

Hiểu biết của con người về biến đổi khí hậu đã gia tăng đáng kể từ năm 1990 khi Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo đánh giá đầu tiên về biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặc dù các mô hình dự báo biến đổi khí hậu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nhưng các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng hoạt động của con người đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm cho các thách thức về tăng trưởng và giảm nghèo trên toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Bên cạnh những rủi ro ở hiện tại và tương lai, biến đổi khí hậu cũng tạo ra các cơ hội trên toàn thế giới. Do đó, hiểu đúng biến đổi khí hậu và lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ cho phép con người giảm thiểu rủi ro, đồng thời tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Bất chấp khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, thế giới vẫn đứng trước đòi hỏi phải hành động khẩn cấp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Những nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu trong hơn hai thập kỷ qua đã được thể hiện bằng việc thực hiện các hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu như Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (năm 1992), Nghị định thư Kyoto (năm 1997) và gần đây nhất là Thỏa thuận Paris về Khí hậu (năm 2015). Trong đó, Thỏa thuận Paris về Khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới và được coi là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như là cách thức duy nhất để cứu Trái đất.

Giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Do việc giảm nhẹ và thích ứng đều rất tốn kém chi phí, mong muốn tìm ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả chi phí đã làm cho biến đổi khí hậu không còn là vấn đề khoa học thông thường mà là một vấn đề kinh tế. Nghiên cứu biến đổi khí hậu trên quan điểm kinh tế cần nhìn nhận rằng xã hội có nguồn lực khan hiếm và do vậy không thể dành nhiều nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu mà bỏ qua các vấn đề kinh tế-xã hội khác cũng được coi là quan trọng như biến đổi khí hậu; nhưng cũng không nên trì hoãn hành động hoặc thực hiện các hành động không hiệu quả.

Kinh tế học có thể đóng góp vào sự hiểu biết về các vấn đề biến đổi khí hậu và đưa ra lý giải về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả kinh tế, bao gồm chỉ ra bản chất của thất bại thị trường liên quan đến biến đổi khí hậu, xác định các chi phí và lợi ích của giảm nhẹ và thích ứng; từ đó tạo ra động lực kinh tế cho các cá nhân, tổ chức cũng như tạo ra khung khổ cho các hành động quốc tế về biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu trên quan điểm kinh tế đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong việc hoạch định các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cuốn sách chuyên khảo “Kinh tế và Chính sách Biến đổi khí hậu” do GS.TS. Trần Thọ Đạt và TS. Vũ Thị Hoài Thu biên soạn được Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân ấn hành năm 2017 là ấn phẩm đầu tiên ở Việt Nam trình bày chuyên sâu về các khía cạnh kinh tế và chính sách của vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cuốn sách gồm 10 chương và được cấu trúc thành 3 phần, tập trung giải thích tính toàn cầu của vấn đề biến đổi khí hậu, phân tích các khía cạnh kinh tế của biến đổi khí hậu, trình bày các nội dung về kinh tế học giảm nhẹ biến đổi khí hậu và kinh tế học thích ứng với biến đổi khí hậu, phân tích các chính sách biến đổi khí hậu và hành động quốc tế về biến đổi khí hậu. Các nội dung này được trình bày trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, bao gồm thực tiễn ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tính toàn cầu, hiệu quả và công bằng là những tư tưởng xuyên suốt của kinh tế và chính sách biến đổi khí hậu.

Theo nhận xét của giới chuyên gia, kinh tế và chính sách biến đổi khí hậu là một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng và phức tạp, huy động các ý tưởng và kỹ thuật phân tích từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học kinh tế như tăng trưởng và phát triển, công nghiệp, đổi mới và thay đổi công nghệ, thể chế, kinh tế quốc tế, tài chính công, thông tin và không chắc chắn, kinh tế môi trường và kinh tế công cộng.

Do vậy, sự nỗ lực tổng hợp từ các tài liệu cập nhật nhất về chủ đề này ở trên thế giới và Việt Nam cùng những khuyến nghị mà các tác giả đưa ra sẽ là tài liệu vô cùng bổ ích cho các sinh viên, nhà quản lý và người nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu với nền kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng.

Cuốn sách chuyên khảo “Kinh tế và Chính sách Biến đổi khí hậu” do GS.TS. Trần Thọ Đạt và TS. Vũ Thị Hoài Thu biên soạn gồm 3 phần và 10 chương

Phần I trình bày cách tiếp cận kinh tế và toàn cầu để giải quyết biến đổi khí hậu và gồm 3 chương, trong đó Chương 1 giải thích tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, Chương 2 phân tích các khía cạnh kinh tế của biến đổi khí hậu và Chương 3 giới thiệu tổng quan về kinh tế học biến đổi khí hậu.

Phần II đi sâu phân tích các vấn đề lý thuyết và thực tiễn về kinh tế và chính sách biến đổi khí hậu. Trong khi chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu được trình bày ở Chương 4 và chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu được trình bày ở Chương 6 thì các khía cạnh kinh tế của giảm nhẹ biến đổi khí hậu được trình bày ở Chương 5 và các khía cạnh kinh tế của thích ứng với biến đổi khí hậu được trình bày ở Chương 7. Việt Nam là quốc gia được lựa chọn để minh họa cho một số thực tiễn về kinh tế và chính sách biến đổi khí hậu và được trình bày ở Chương 8.

Phần III thảo luận về hành động quốc tế về giải quyết biến đổi khí hậu trong hơn hai mươi năm qua, trong đó Chương 9 trình bày tiến trình thương thảo quốc tế về biến đổi khí hậu.

Minh Khôi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên