Việt Nam có dự án thuộc top hiệu suất lớn bậc nhất thế giới, sẽ vận hành thương mại ngay nửa đầu năm 2025
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD.
Năm 2024 nắng nóng kỷ lục hơn 50 năm, phụ tải điện tại Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 1 tỷ kWh/ngày nhưng hệ thống điện quốc gia vẫn vận hành ổn định, không để thiếu hụt điện.
Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) còn một số bất cập; việc triển khai các dự án nguồn điện còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách nên giai đoạn 2021-2025 dự kiến phát triển nguồn điện chỉ đạt 56,7% so với kế hoạch, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện.
Thời gian tới, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra cao hơn rất nhiều so với thời gian qua, tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 phấn đấu đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 phấn đấu ở mức 2 con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16% (tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 - 10.000 MW).
Nhằm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2025 - 2030, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn thành trước ngày 28/2/2025.
Một trong số các dự án đó phải kể đến Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4. Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia tập trung tối đa nguồn lực để gấp rút tổ chức thi công NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4, hoàn thành, vận hành thương mại vào tháng 6/2025.
Một trong những khó khăn nổi bật của dự án là với công nghệ mới và phức tạp, quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam khiến cho mỗi giai đoạn đều là những bước đi mới, thách thức mới cho công tác quản trị dự án khi không có nhiều sự tham khảo, học hỏi từ các dự án khác.
Tính đến ngày 15/11/2024, khối lượng thực hiện tổng thể gói thầu EPC ước đạt 95%, trong đó công tác thiết kế: Tiến độ ước đạt 98,6%; công tác mua sắm và chế tạo: tiến độ ước đạt 99,9%; công tác thi công lắp đặt thiết bị tiến độ ước đạt 97% và công tác chạy thử nghiệm (Commissioning) tiến độ ước đạt 18%.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng tại khu công nghiệp Ông Kèo, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bổ sung khoảng 9 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên ở Việt Nam ; góp phần thực hiện "Cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050" của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Đối với tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ đem lại doanh thu từ 17.000 - 18.000 tỷ đồng/năm khi vận hành thương mại.
Theo thông tin từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu của NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4 thuộc top nhanh nhất Việt Nam đối với gói thầu EPC theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế trong bối cảnh hết sức khó khăn khi phải thực hiện các quy định về giãn cách, cách ly và phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ tại giai đoạn cao điểm nhất của đại dịch COVID-19.
Liên danh nhà thầu Samsung C&T Corporation, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là đơn vị trúng thầu thực hiện Hợp đồng Thiết kế - Mua sắm - Xây dựng - Lắp đặt - Chạy thử và Nghiệm thu (Hợp đồng EPC) Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (Dự án Nhơn Trạch 3 và 4).
Đây cũng là một trong số ít các tổ máy tua-bin khí có công suất cũng như hiệu suất lớn nhất trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam. Tuabin khí của Dự án thuộc thế hệ H, có công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay. Đây là tổ hợp tổng thầu quốc tế có năng lực và kinh nghiệm, vừa phát huy nội lực, lợi thế nhà thầu trong nước đồng thời cũng phát huy được thế mạnh về công nghệ của nhà thầu quốc tế.
Nhịp sống thị trường