MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có hi vọng thu thuế từ các "ông lớn" dịch vụ xuyên biên giới

Trong một động thái mới nhất, Phó chủ tịch Karan Bhatia của Google cho biết tập đoàn này “ủng hộ việc hướng tới một khuôn khổ quốc tế toàn diện mới đánh thuế các công ty đa quốc gia”.

Áp lực từ Châu Âu

Vấn đề né thuế, tránh thuế của các “ông lớn” như Google, Facebook, Amazon... không chỉ gây “nhức nhối” ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, mà ngay cả đối với các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU).

Ngay trong hội nghị G20 mới đây tại Osaka (Nhật Bản), phiên họp giữa các bộ trưởng tài chính trong đó phía EU đã gây áp lực đưa đến một thống nhất về nguyên tắc tính lại cách đánh thuế đối đối với những Cty đa quốc gia và tâm điểm là các “ông lớn” cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, Amazon...

Đây là một bước tiến được cho là đáng kể bởi trước đó cuối năm 2018, chính trong nội bộ EU, đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Khi đó, nhiều quốc gia EU đưa ra đề nghị tăng mức thuế đánh lên các Cty đa quốc gia mà đa phần đến từ Mỹ là 3% doanh thu.

Đến tháng 3.2019, Pháp là quốc gia đi đầu trong việc áp mức thuế 3% đối với những “ông lớn” như Google, Facebook, Amazon... Khoản thu thuế mới này được cho rằng mang đến cho ngân sách nước Pháp thêm 500 triệu Euro mỗi năm.

Trong khi đó, vào tháng 4.2019, cơ quan thuế của Australia đưa ra con số nếu chống né, trốn thuế một cách triệt để thì các Công ty đa quốc gia đang có một khoản 7 tỉ USD doanh thu bị chuyển hóa thành lợi nhuận tại các quốc gia được gọi là “thiên đường thuế”.

Một quốc gia nhỏ như New Zealand, nếu áp mức thuế từ 2-3% như trên, mỗi năm nước này sẽ tăng thêm được nguồn thu cho ngân sách ở mức cao nhất là khoảng 80 triệu USD.

Các nước phát triển sẽ hưởng lợi?

Trong phát ngôn của Karan Bhatia, vị phó chủ tịch này cho rằng: “Thuế thu nhập doanh nghiệp là cách quan trọng để các công ty đóng góp cho các quốc gia và cộng đồng nơi họ kinh doanh, và chúng tôi muốn thấy một môi trường thuế mà mọi người thấy hợp lí và phù hợp”.

“Thỏa thuận thuế quốc tế” đánh lên các Công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ mất thêm khá nhiều thời gian để thống nhất triển khai.

Tuy nhiên, đây chính là nền tảng để chia sẻ việc đóng thuế công bằng hơn: Các “ông lớn” không chỉ đóng thuế cho Chính phủ Mỹ ngay cả đối với những khoản doanh thu và lợi nhuận họ thu được từ việc kinh doanh tại các quốc gia khác; việc đẩy doanh thu và lợi nhuận về các “thiên đường thuế” cũng sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn...

Nhưng trên hết, ở những thị trường đang phát triển như Việt Nam, các “ông lớn” sẽ phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thuế khi thu về từ đây hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Việt Nam có hi vọng thu thuế từ các ông lớn dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 1.

Theo công bố của statista.com, doanh thu quảng cáo số tại Việt Nam năm 2018 ước đạt 663 triệu USD, đứng thứ 35 thế giới, thị phần chủ yếu rơi vào tay các “ông lớn” mạng xã hội là Google, Facebook (khoảng 557 triệu USD). Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, hai "ông lớn" này không đóng thuế tại Việt Nam.

Giả thiết nếu cũng áp mức thuế như EU, ngân sách Việt Nam có thêm được hàng chục triệu USD tiền thuế mỗi năm từ riêng lĩnh vực quảng cáo số.

Theo Thế Lâm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên