MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đã bước vào giai đoạn không thể phát triển trên cơ sở thâm dụng lao động giản đơn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định nếu Việt Nam không có giải pháp điều chỉnh cân đối lại nguồn cung - cầu thì thị trường lao động sẽ chỉ đi ngang kèm theo đó là bẫy thu nhập trung bình.

Mất cân bằng cung - cầu thị trường lao động

Thị trường lao động đang tồn tại nhiều vấn đề mà lâu nay chưa giải quyết được đó là nhu cầu tuyển dụng cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật đều không ổn định.

Tại tọa đàm "Phát triển thị trường lao động" trên VTV1, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu quốc hội, nguyên Chủ tịch VCCI cho biết hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước tình trạng thiếu hụt, kể cả lao động phổ thông và lao động trình độ cao.

Theo ông Lộc điều này thể hiện 2 tín hiệu: Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn không thể phát triển trên cơ sở thâm dụng lao động giản đơn nữa. Thứ hai, chúng ta cần phải chuyển đổi về tổ chức, công nghệ để hướng tới mô hình sản xuất sử dụng lao động trình độ cao.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, về ngắn hạn tình trạng thiếu hụt lao động sẽ khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất thậm chí thu hẹp quy mô sản xuất và không đáp ứng được nhu cầu đơn hàng, dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

Nhưng về dài hạn nó tạo nên sức ép phải đổi mới tổ chức quản lý và công nghệ để hướng tới trình độ lao động cao hơn và hướng tới phân khúc cao hơn của kinh tế toàn cầu - đó là xu hướng tích cực của nền kinh tế. Đây chính là áp lực và động lực ở thời điểm hiện nay.

Dưới góc độ ngành lao động, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc Làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là số lượng doanh nghiệp tăng nhưng lao động kỹ thuật thì giảm.

Theo ông Bình, hiện nay chúng ta thu hút đầu tư rất mạnh, tuy nhiên trong quá trình quy hoạch phát triển đầu tư cả nước chúng ta chưa tính cơ cấu về lao động trên các địa bàn.

Ông Bình nêu dẫn chứng tại các địa bàn phát triển kinh tế sớm hơn như Bình Dương đến nay phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế, nếu tiếp tục đầu tư với gia công lắp ráp thì việc bị cạnh tranh nguồn lực lao động với địa phương khác là đương nhiên. Vì vậy việc thiếu lao động cũng là đương nhiên nếu các địa phương này không thay đổi mô hình tăng trưởng.

Nhìn nhận về việc mất cân bằng cung cầu, ông Bình cho biết nếu nhìn tổng thể toàn thị trường lao động thì chúng ta chưa phải đến mức độ mất cân bằng cung - cầu.

Theo ông Bình, việc mất cân bằng cung - cầu lao động ở đây là ở những thị trường hẹp, đòi hỏi trình độ kĩ thuật cao. Việc này là chuyện hết sức bình thường, bởi thị trường lao động của chúng ta trước đây giá rẻ rất dễ tuyển dụng, nhưng bây giờ lực lượng lao động trở nên có tính chất cạnh tranh hơn.

Cần loại bỏ tư duy lao động giá rẻ

Để phát triển thị trường lao động, Cục trưởng Cục Việc Làm cho rằng điều đầu tiên là cần chuyển đổi tư duy lao động Việt Nam từ thị trường lao động phổ thông, giá rẻ vẫn được khen trên khắp thế giới sang 1 thị trường lao động có lao động kỹ thuật và chuyên gia kỹ thuật chất lượng cao, giá cạnh tranh trên thế giới.

Muốn làm được điều này theo ông Vũ Trọng Bình phải đổi mới toàn diện về giáo dục đại học lẫn giáo dục nghề nghiệp theo đúng chuẩn mực quốc tế. Có như vậy chúng ta mới thay đổi cách nhìn toàn diện về thị trường lao động Việt Nam, và đây chính là ưu thế để thu hút các nhà đầu tư.

Theo ông Bình cần kiên quyết tổ chức phân luồng học sinh từ trung học cơ sở đi vào trường nghề với cơ chế khuyến khích họ có thể liên thông cả lên đại học trong khối nghề của họ. "Đây là nút thắt mà nếu giải quyết được thì chúng ta thấy rằng mỗi năm thị trường lao động Việt Nam sẽ có thêm 500 nghìn đến 700 nghìn lao động vào thị trường", ông Bình nhấn mạnh.

Thứ hai, chúng ta sẽ có người lao động vào thị trường sớm hơn 3 năm, đây sẽ là một trong những yếu tố quyết định làm tăng lực lượng lao động lên.

Như vậy, nếu chúng ta đổi mới được công tác phân luồng thì có thể đổi mới được cả về chất lượng và số lượng lao động.

Bổ sung thêm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần mở rộng kết hợp mô hình trường - xưởng. Tức là xóa đi ranh giới giữa trường nghề và doanh nghiệp, để trường và xưởng cùng trở thành 1 thiết chế cộng hưởng đào tạo ra lao động đáp ứng xu hướng thị trường.

Theo Nguyễn Nga

Biz Live

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên