Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm kết nối số khu vực
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại VNNIC Internet Conference 2022, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- 28-06-2022Từ 1/7, mẫu hộ chiếu mới của người dân có gì đặc biệt?
- 28-06-2022Làm CCCD gắn chip nhưng mãi chưa nhận được, cần đi làm lại hay tiếp tục chờ đợi?
- 28-06-2022Bỗng dưng nhận thông báo vay nợ do bị đánh cắp thông tin CMND/CCCD gắn chip, người bị hại phải xử lý ra sao?
Định hướng đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực
Trong dự thảo quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn đến năm 2030, Bộ TT&TT đã đặt ra các yêu cầu phát triển với Internet Việt Nam chặng đường sắp tới, trong đó Việt Nam sẽ trở thành Digital Hub - nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới.
Tại hội thảo VNNIC Internet Conference 2022 mới đây, các chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế đã thảo luận về các định hướng lớn để phát triển tương lai Internet Việt Nam an toàn, hiện đại, nhân văn, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối số của khu vực.
Các chuyên gia đưa ra nhận định rằng, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện tại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có 3 Digital Hub là HongKong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản. Theo các chuyên gia, 1 Digital Hub của khu vực cần đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy, giá cả phải chăng với hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo…
Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đầu tư xây dựng các hệ thống Trung tâm dữ liệu hiện đại để góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia.
Để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia trong “cuộc đua” giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực. Và để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.
Với tinh thần “đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam”, thời gian qua, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đầu tư xây dựng các hệ thống Trung tâm dữ liệu (IDC) hiện đại, nhằm góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Cụ thể, Viettel công bố có kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu Việt Nam hơn 6.000 tỷ đồng. VNPT cũng triển khai hợp tác với Amazon Web Service, các doanh nghiệp lớn nước ngoài nhằm bổ trợ cho hạ tầng hiện có của tập đoàn.
Còn với CMC Telecom, hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 3 Data Center trung lập, trong đó Data Center Tân Thuận (TP.HCM) đạt tiêu chuẩn Uptime Tier III có diện tích 10.000m2, cung cấp 1.200 rack với công suất cao lên tới 20kw/rack.
Chia sẻ tại phiên tọa đàm “Tương lai của Internet” trong khuôn khổ VNNIC Internet Conference 2022, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom Đặng Tùng Sơn cho biết: “Sau khi đánh giá các yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, Data Center trung lập quy mô lớn, thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu... Các chuyên gia quốc tế và trong nước đều tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực”.
Giải quyết những hạn chế của Internet Việt Nam
Cũng tại phiên tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho hay, ngoài việc tập trung phát triển các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề hạn chế. Đó là, sự mất cân bằng giữa băng thông trong nước và quốc tế, phụ thuộc và nền tảng, nội dung quốc tế và vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn, toàn vẹn dữ liệu của Internet Việt Nam. “Hiện nay 80% dữ liệu Internet Việt Nam đang ở nước ngoài. Rõ ràng, chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của dữ liệu trên Internet”, ông Nguyễn Hồng Thắng nói.
Tọa đàm chủ đề “Tương lai của Internet” tại sự kiện VNNIC Internet Conference 2022. |
Trước đó, thông tin với ICTnews hồi tháng 2, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cũng cho biết, hiện nay lưu lượng truy cập Internet nước ngoài lớn hơn nhiều trong nước. Cũng vì thế, mỗi khi có sự cố các tuyến cáp biển quốc tế, chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Bình, các nhà mạng một mặt tìm cách đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới, mặt khác cũng tìm cách tối ưu để lưu lượng Internet trong nước tăng lên, như tăng cường các hệ thống Caching, CDN.
Nhận định Internet hiện giờ có thể coi là hạ tầng số quan trọng của quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đại diện VIA cho rằng các nhà mạng lớn cũng cần có chiến lược, kế hoạch mở rộng các tuyến cáp kết nối quốc tế để đón đầu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dịch vụ Internet.
“Mặt khác, chúng ta đều muốn người dùng Internet Việt Nam sử dụng các ứng dụng trong nước, tuy nhiên việc đó khả thi hay không còn phụ thuộc vào chất lượng và độ phổ biến các ứng dụng nội địa. Đây là một thách thức lớn và cần nhiều thời gian, nỗ lực chung thì mới cải thiện được”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ thêm.
Một số các giải pháp, định hướng lớn cho phát triển Internet Việt Nam cũng đã đề cập rõ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đó là mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX); mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển; phát triển các Trung tâm dữ liệu (IDC), đặc biệt là IDC trung lập, nền tảng Cloud, CND và các dịch vụ số trong nước.
Để thực hiện được chiến lược trên, các chuyên gia đều thống nhất rằng, cộng đồng Internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần chung tay, hợp tác phát triển đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối số với 100% người dân Internet Việt Nam truy cập Internet, thu hẹp khoảng cách số để không ai bị bỏ lại phía sau.
ICT News