'Việt Nam đang đi đúng hướng để hút vốn FDI'
"Bằng cách tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ và cảng biển, Việt Nam sẽ có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI hơn nữa", ông Phạm Đức Thắng, Tổng Giám đốc ngành Dinh dưỡng Vật nuôi của Cargill Việt Nam và Thái Lan chia sẻ với Nhadautu.vn.
- 04-10-2023Chủ động kiểm soát lạm phát
- 04-10-2023Một thị xã thu ngân sách bằng 11 tỉnh cộng lại
- 04-10-2023Tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP
Cargill - Tập đoàn nông nghiệp của Mỹ khánh thành nhà máy thứ 11 tại Việt Nam ngày 25/9. Nhà máy Provimi Premix có tổng vốn đầu tư 28 triệu USD và toạ lạc tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Cơ sở này có diện tích 30.000 m2 với công suất 40.000 tấn mỗi năm.
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng Giám đốc ngành Dinh dưỡng Vật nuôi của Cargill Việt Nam và Thái Lan, đã trao đổi với Nhadautu.vn về nhà máy mới, hoạt động của Cargill, môi trường đầu tư tại Việt Nam...
Nhà máy thứ 11 vừa khánh thành của Cargill có vai trò gì đối với Cargill Việt Nam? Hệ thống nhà máy tại Việt Nam đóng góp thế nào đối với Cargill toàn cầu?
Ông Phạm Đức Thắng: Nhà máy Provimi Premix được khánh thành ngày 25/9 đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Cargill. Những sản phẩm chất lượng cao sản xuất tại nhà máy sẽ cung cấp chất dinh dưỡng tối ưu cho vật nuôi tại Việt Nam.
Nhà máy sẽ tiếp tục góp phần giúp ngành dinh dưỡng vật nuôi giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, qua đó cải thiện và nâng cao kinh tế tại địa phương.
Nhờ vào sản lượng lớn, chúng tôi có thể xuất khẩu, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trước các khách hàng quốc tế.
Provimi Premix là nhà máy hiện đại nhất trong khu vực của tập đoàn, với mức độ tự động hoá ở tất cả các khâu lên đến 95%. Được trang bị các công nghệ tối tân, hiện đại nhất của Cargill tại châu Á, Provimi Premix sẽ là mô hình mẫu cho các khoản đầu tư trong tương lai ở khu vực và trên thế giới.
Cargill tận dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam trong quá trình sản xuất ra sao?
Ông Phạm Đức Thắng: Cargill sử dụng nguyên liệu bản địa như tấm, cám gạo, ngô (bắp), sắn (khoai mì) và bột cá. Nguyên liệu địa phương chiếm khoảng 20% lượng nguyên vật liệu thô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng nguồn nguyên vật liệu chất lượng cao, có nguồn gốc trong nước và thông qua những nhà cung cấp đã được chứng thực chất lượng.
Ông đề cập đến chuyện áp dụng công nghệ trong sản xuất thức ăn, sản phẩm dinh dưỡng cho vật nuôi. Vậy ở nhà máy mới nhất, Cargill đã áp dụng công nghệ thế nào?
Ông Phạm Đức Thắng: Nhà máy mới được thiết kế để sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, nhà máy còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ chuyên gia dinh dưỡng tại Việt Nam cũng như ở các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Cargill trên toàn thế giới. Các chuyên gia công nghệ và đội ngũ tư vấn của Cargill sẽ liên hệ chặt chẽ với khách hàng, nông dân và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm thấu hiểu những yêu cầu cụ thể của thị trường.
Các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến phát triển xanh , Cargill thì sao thưa ông?
Ông Phạm Đức Thắng: Là doanh nghiệp toàn cầu có tinh thần trách nhiệm cao, Cargill luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các thách thức đặt ra, đặc biệt là về môi trường và phát triển bền vững. Chúng tôi đầu tư hỗ trợ nông dân phục hồi đất trồng, nỗ lực chống lại nạn phá rừng, và giúp khách hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững thông qua chuỗi cung ứng của Cargill.
Việt Nam đang đi đúng hướng để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, với dòng tiền đổ vào cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thuỷ và cảng biển nhằm giúp nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Phạm Đức Thắng
Ở Việt Nam, Cargill xây dựng đội ngũ chuyên gia về môi trường, sức khoẻ và an toàn tại mỗi cơ sở trên toàn quốc. Đội ngũ này đảm trách việc quản lý, giám sát và đưa ra các sáng kiến về an toàn và bền vững. Ngay tại nhà máy mới này, cũng có thể thấy các cam kết về môi trường được thể hiện rất rõ.
Cụ thể, việc thiết kế và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, chiếu sáng thông minh và tối ưu hoá nguồn ánh sáng tự nhiên, đảm bảo việc tiêu thụ năng lượng hiệu quả và giảm thiểu lượng khí thải của nhà máy. Bên cạnh đó, công ty cũng đưa vào sử dụng đồng bộ trên toàn nhà máy loại bao bì thân thiện hơn với môi trường, giúp giảm lượng tiêu thụ nhựa đáng kể so với nhiều phương pháp đóng gói khác.
Thời gian vừa qua, giá nguyên liệu đầu vào của thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch bệnh, xung đột ở Nga và Ukraine. Những diễn biến trên thị trường nguyên liệu có tác động đến Cargill Việt Nam?
Ông Phạm Đức Thắng: Cargill luôn tin tưởng và lạc quan về triển vọng ngành nông nghiệp và chăn nuôi ở Việt Nam. Người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến chất lượng thực phẩm và kéo theo đó là doanh nghiệp chăn nuôi cũng phải đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp chăn nuôi phải cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt hơn, ưu việt hơn cho vật nuôi - dù là gia súc, gia cầm hay thuỷ hải sản – và Cargill hỗ trợ họ làm tốt điều này với nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng cao nhất. Bất kể là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam vẫn luôn là một thị trường dinh dưỡng vật nuôi đầy tiềm năng, và Cargill cam kết đóng góp vào thành công của khách hàng, người nông dân và các nhà máy sản xuất.
Yếu tố nào đã giữ chân Cargill ở lại và phát triển tại Việt Nam trong suốt gần 3 thập kỷ?
Ông Phạm Đức Thắng: Môi trường kinh tế năng động của Việt Nam thể hiện qua dân số trẻ, sức mua tăng, tầng lớn trung lưu ngày càng lớn.
Thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, kết hợp với những yếu tố hấp dẫn khác như tầng lớp trung lưu gia tăng, các chính sách mở hơn giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình và tiếp tục trên đà phát triển.
Cargill là một trong những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ năm 1995. Chúng tôi đã chứng kiến những bước nhảy vọt ở hầu như mọi lĩnh vực trong suốt 28 năm qua, trong đó có sự kiện Việt Nam gia nhập WTO .
Chính sự phát triển ổn định và nhất quán là nhân tố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng hoạt động tại Việt Nam. Suốt gần ba thập kỷ qua, Việt Nam luôn là đối tác lớn của Cargill, và chúng tôi nhận thấy Cargill cũng là đối tác dài hạn, đáng tin cậy của Việt Nam. Chúng tôi luôn nỗ lực kết nối nông dân với thị trường, khách hàng với nguồn nguyên vật liệu, gia đình với nguồn nhu yếu phẩm chất lượng cao.
Việt Nam cần làm gì để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ ?
Ông Phạm Đức Thắng: Có thể nói thành công của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ nhờ vào các nhân tố kinh tế mà còn cả môi trường kinh doanh nói chung và mức độ thuận tiện khi kinh doanh tại đây.
Việt Nam đang đi đúng hướng để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, với dòng tiền đổ vào cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thuỷ và cảng biển nhằm giúp nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn, trong đó có cả những ngành nghề mà Cargill tham gia kinh doanh. Các sáng kiến chuyển đổi số, kết nối internet nhanh hơn, cảng hàng không mới đều góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số này sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế thế giới, và đó là điều rất đáng khích lệ.
Song song đó, những nỗ lực của Việt Nam nhằm đơn giản hoá quy trình cũng giúp đất nước dễ tiếp cận hơn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng mong chờ vào việc tiếp tục cải cách và tăng cường tính minh bạch trong thời gian tiếp theo
Tiềm năng của thị trường dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản và các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt mà Cargill đang tham gia? Chiến lược của Tập đoàn trong thời gian tới như thế nào?
Ông Phạm Đức Thắng: Hôm nay, Tập đoàn Cargill tổ chức lễ khánh thành nhà máy mới với khoản đầu tư lớn nhất của chúng tôi tại Việt Nam. Ngoài những thông tin được công bố ngày hôm nay thì Cargill xin phép không tiết lộ các kế hoạch đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên, là doanh nghiệp không ngừng hướng đến sự tăng trưởng, Cargill luôn luôn tìm hiểu, đánh giá nhu cầu của nông dân, cũng như xem xét, nghiên cứu những cách thức để chúng tôi có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa nhằm cải thiện sinh kế của nông dân, cũng như góp phần tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên mức đối tác chiến lược toàn diện . Ông bình luận thế nào về việc này, và đánh giá ra sao về tác động đối với các lĩnh vực kinh doanh của Cargill?
Ông Phạm Đức Thắng: Là một trong những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, Cargill chứng kiến mối quan hệ giữa hai quốc gia thăng hoa trong ba thập kỷ qua. Chúng tôi cho rằng Cargill cũng đã góp phần vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều bước đột phá trong quan hệ song phương, từ các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden , Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược toàn diện, phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia. Trước đó, mối quan hệ đối tác toàn diện trong 10 năm cũng đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong nhiều ngành nghề, gồm cả nông nghiệp, thực phẩm và chăn nuôi. Bây giờ là thời điểm để tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước.
Về mặt nông nghiệp, mối quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ cũng đã thúc đẩy và tạo dựng nhiều thành công. Thương mại hai nước ngày càng tăng. Nhiều sản phẩm của Việt Nam như thuỷ sản, đồ gỗ, các loại hạt, cà phê, gia vị và trái cây đã xâm nhập thị trường Mỹ. Ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm của Mỹ như bông, gỗ, đậu nành, trái cây tươi được xuất khẩu sang Việt Nam. Mối quan hệ song phương được nâng cấp chắc chắn sẽ giúp duy trì và phát triển quỹ đạo này hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhà đầu tư