MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đang trở thành “nam châm” hút FDI

Việt Nam đang thực sự trở thành thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhiều ngành xuất khẩu tỷ USD hồi phục

Bài viết "Nhiều ngành xuất khẩu tỷ USD dần hồi phục" trên tờ Tuổi trẻ cho hay, nếu thuận lợi, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt từ 5 - 5,2 tỷ USD. Trong đó sầu riêng có thể đạt 2 tỷ USD, thậm chí là 2,5 tỷ USD. Tương tự ngành dệt may, đồ gỗ, cũng đang hồi phục.

Tờ Nông thôn ngày nay cũng mang đến thông tin tích cực khi đơn hàng đang về tới tấp giúp cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng dương sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Đặc biệt xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm xuất khẩu sang thị trường này khoảng 1,7 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài: Việt Nam tiếp tục là lựa chọn ưu tiên

Cùng với tín hiệu đầy tích cực về đơn hàng xuất khẩu, Việt Nam đang thực sự trở thành thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới về đầu tư.

Tờ Đầu tư thông tin, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực, với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng qua vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân đạt hơn 15,9 tỷ USD. Không khí rất sôi động và càng sôi động hơn khi trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, Brazil mới đây, Thủ tướng Phạm Minh chính tiếp hàng loạt tập đoàn lớn từ Apple, Google, Boeing, Siemens. Tất cả đều bày tỏ mối quan tâm lớn tới điểm đầu tư ở Việt Nam.

Việt Nam đang trở thành “nam châm” hút FDI - Ảnh 1.

Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực, với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng qua vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tờ Lao động thông tin Hải Phòng, Đồng Nai đang vươn lên trở thành ngôi sao sáng trong thu hút dòng vốn này.

Theo tờ Thanh niên, hiện 25 nhà cung ứng của tập đoàn Apple đặt nhà máy tại nhiều tỉnh, thành và Việt Nam có thể sản xuất 20% iPad và Apple Watch, 5% Macbook, 65% AirPods vào năm 2025. Việt Nam được đánh giá là địa chỉ tin cậy, tạo niềm tin để đầu tư lâu dài cho các tập đoàn lớn.

Thị trường lao động, việc làm khởi sắc

Doanh nghiệp khởi sắc, xuất khẩu hàng hóa gia tăng sẽ tạo thêm nhiều việc làm và hạn chế tình trạng thất nghiệp mất việc.

Hàng chục nghìn việc làm mới đang được hình thành, tạo sinh kế mới cho những lao động khó khăn, mất việc ở giai đoạn trước.

Dự báo 3 tháng cuối năm, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh sẽ sôi động trở lại, tạo ra khoảng 75.000 - 81.000 chỗ làm việc mới.

Bên cạnh đó, nhiều ngành sẽ có cơ hội phát triển mạnh khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng khi xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Dự kiến hàng trăm doanh nghiệp của nước này, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ đổ dòng vốn vào Việt Nam.

Theo tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nhiều sàn giao dịch việc làm đang được tổ chức ở nhiều địa phương đang tạo việc làm mới cho người lao động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển dụng nguồn lao động có sẵn của địa phương, chẳng hạn như tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vừa qua đã kết nối được hơn 4.000 vị trí việc làm mới.

Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng

Đáng chú ý, ngày 30/9, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối tuần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, tuy nhiên việc hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế thách thức từ bên trong.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế, cao nhất là 6%. Cụ thể, với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7%; kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%; kịch bản 3 tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Theo Báo Đầu tư, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, phụ thuộc vào sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn chủ lực của Việt Nam. Hoạt động du lịch tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để xuất khẩu thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. HSBC đánh giá triển vọng đầu tư nước ngoài và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi.

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Tại phiên họp của Chính phủ, các ý kiến thống nhất đánh giá kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được đảm bảo dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kết quả kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tạo đà đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm.

Do đó Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm nay trên tinh thần kết quả năm nay phải cao hơn năm trước như chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, theo báo Tuổi trẻ.

Nhiều giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững đã được đề xuất, theo tờ Người lao động, cần thiết phải thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 với trên 700.000 tỷ đồng vốn theo kế hoạch; cùng với đó là củng cố các thị trường truyền thống, tích cực mở rộng thị trường mới và đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.

Làm mới các động lực tăng trưởng cũ

"Làm mới các động lực tăng trưởng cũ" là hàng tít ấn tượng trên tờ Sài Gòn giải phóng khi bình luận nhìn từ TP Hồ Chí Minh, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thành phố là đầu tư công; cùng với đó là cần khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký, thực hiện hiệu quả kết nối cung cầu.

Còn tờ Quân đội nhân dân cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ, việc nới lỏng chính sách tài khóa đang được tích cực triển khai để kích thích kinh tế tăng trưởng nhanh. Dự kiến năm nay sẽ thực hiện miễn giảm khoảng 200.000 tỷ đồng tiền thuế và điều này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, có phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả, dứt khoát không trông chờ, ỷ lại, né tránh; đẩy mạnh hơn nữa phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng liên quan giao thông, chống biến đổi khí hậu, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, hạ tầng xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những ngành mới nổi; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền, giảm chi phí tuân thủ cho người dân doanh nghiệp, giảm phiền hà, sách nhiễu.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên