Việt Nam đang hạch toán thu giá dầu thực tế bao nhiêu?
Giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong năm 2021 đẩy giá hạch toán thực tế của Việt Nam trong thu ngân sách từ dầu thô cũng vượt xa dự tính.
- 04-11-2021Doanh nghiệp vận tải ‘chóng mặt’ vì giá xăng dầu tăng
- 31-10-2021Doanh nghiệp khốn đốn vì giá xăng dầu tăng mạnh
- 28-10-2021Giá xăng dầu “phi mã” - Sức ép lớn cho lạm phát và hồi phục kinh tế
Ngày 8/11, Bộ Tài chính có thông cáo báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10/2021, trong đó có nội dung về tình hình thu - chi và cân đối ngân sách.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 và 10 tháng năm 2021, lũy kế 10 tháng, tổng thể cân đối NSNN hiện có thặng dư, trong đó ngân sách trung ương (NSTW) bội chi còn ngân sách địa phương (NSĐP) thặng dư lớn.
Cụ thể, thu NSNN 10 tháng đạt 1.221 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020 (NSTW đạt 87% dự toán; NSĐP đạt 95,7% dự toán). Về chi ngân sách, lũy kế 10 tháng đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán.
Thông cáo của Bộ Tài chính cũng nêu một số thông tin chi tiết về việc hạch toán giá dầu thô của Việt Nam trong giai đoạn.
Theo đó, trong tháng 10, thu từ dầu thô đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ số thu của tháng 9. Bộ Tài chính cho biết, giá dầu thô thế giới trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (giá dầu Brent hiện đang giao động khoảng 83-85 USD/thùng). Do đó, giá dầu thanh toán bình quân trong tháng của Việt Nam khoảng 76 USD/thùng, tăng tới 31 USD/thùng so giá dự toán (45 USD/thùng).
Lũy kế 10 tháng, thu từ dầu thô đạt 33,3 nghìn tỷ đồng, bằng 143,6% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ. Trong đó, giá dầu thanh toán bình quân 10 tháng đạt 65,6 USD/thùng, cao hơn 20,6 USD/thùng so với giá dự toán. Về sản lượng, sản lượng thanh toán đạt 7,38 triệu tấn, bằng 91,9% kế hoạch.
GIÁ DẦU BIẾN ĐỘNG KHÓ LƯỜNG, NHIỀU LẦN CHỆCH XA DỰ TÍNH CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH
Như BizLIVE đã đề cập tại bài viết trước , biến động rất lớn và khó lường của giá dầu trong những năm gần đây đã không ít lần khiến dự tính cân đối ngân sách của cơ quan hữu quan phải chệch xa thực tế.
Như năm ngoái, giá dầu liên tục lao dốc và hạch toán bình quân năm 45,7 USD/thùng, trong khi Bộ Tài chính trước đó xây dự toán thu được giá 60 USD/thùng.
"Rút kinh nghiệm", sang năm 2021, NSNN dự toán thu từ dầu thô có giá dự toán chỉ 45 USD/thùng, nhưng thực tế thì cơn sốt giá dầu đang thể hiện từ đầu năm khiến giá dầu thanh toán bình quân 10 tháng cao hơn tới gần 21 USD/thùng như trên.
Năm 2021, với giá dự toán 45 USD/thùng, Bộ Tài chính dự kiến số thu từ dầu thô còn chiếm khoảng 1,7% thu NSNN, tương ứng 23,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, với cơn sốt giá dầu, thu từ dầu thô đã vượt xa dự toán.
Tới hết quý 3, thu từ dầu thô đạt 29,4 ngàn tỷ đồng, bằng 126,64% dự toán, vượt xa con số 23,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp cho NSNN cũng vươn lên khoảng 2,7%. Và sau 10 tháng, số thu từ dầu thô đã vượt tới 143,6% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ.
SẢN LƯỢNG KHAI THÁC LIÊN TỤC SỤT GIẢM
Trái với biến động thất thường của giá dầu thì lượng dầu thô khai thác của Việt Nam đã liên tục sụt giảm trong nhiều năm qua.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác thực tế cũng như kế hoạch khai thác dầu khí trong nước liên tục sụt giảm, năm sau luôn thấp hơn năm trước.
Cụ thể, sản lượng dầu trong nước đã liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
PVN lý giải, phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 - 2015. Trong đó, các mỏ có đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 - 35 năm, đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ ngập nước cao và tiếp tục tăng liên tục theo thời gian.
Do độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện đã ở mức 50% - 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15% - 25%/năm. Đây cũng là thực tế chung ở giai đoạn cuối đời của các mỏ trên thế giới.
Bên cạnh đó hoạt động thăm dò hay khai thác mới cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, rủi ro địa chất, thời tiết hay các cơ chế liên quan...
Thực tế này cũng đã phần nào lý giải câu hỏi "Tại sao Việt Nam đã không đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu để nắm cơ hội giá cao, trong điều kiện NSNN đang gặp khó khăn bởi COVID-19", gián tiếp được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề cập trong báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV khi nhìn nhận: "Trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp".
BizLive