MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đề nghị về 'siêu' dự án hơn 70 tỷ USD, đại diện nền kinh tế top đầu thế giới hồi đáp tích cực

Đại diện nền kinh tế top đầu thế giới mong muốn được cung cấp thông tin chi tiết, tài liệu về dự án 70 tỷ USD của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT mong muốn Nhật Bản hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho dự án trọng điểm

Ngày 10/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki về thúc đẩy hợp tác hai bên trong lĩnh vực GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá: “Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng GTVT, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam với 52 dự án ODA, tổng mức đầu tư lên tới 15 tỷ USD. Các dự án hạ tầng GTVT do Nhật Bản tài trợ thông qua JICA đều là các dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi diện mạo giao thông và hình ảnh Việt Nam".

Việt Nam đề nghị về 'siêu' dự án hơn 70 tỷ USD, đại diện nền kinh tế top đầu thế giới hồi đáp tích cực- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki. Ảnh: Bộ GTVT

Đáp lời, Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết việc Nhật Bản hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam vô cùng quan trọng. Phía Nhật Bản rất quan tâm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó có các dự án mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cảng Liên Chiểu...

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn, kĩ thuật. Để có thể hiện thực hóa hợp tác này, Đại sứ Nhật Bản mong muốn được cung cấp thông tin chi tiết, tài liệu dự án.

Sau yêu cầu từ ông Ito Naoki, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trình các cơ quan có thẩm quyền; sau khi được phê duyệt sẽ cung cấp thông tin, tài liệu cho phía Nhật Bản để tìm hiểu khả năng hợp tác.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện Việt Nam đã hội đủ điều kiện để đầu tư đường sắt tốc độ cao như: GDP đã cao gấp 4 lần thời điểm 2010, tiềm lực tài chính tăng nhiều lần, nợ công chỉ khoảng 37%... Dù vay hay không vay vốn ODA, Việt Nam vẫn cần triển khai dự án và phải đảm bảo được hai điều kiện quan trọng: Chuyển giao công nghệ; thời gian triển khai nhanh, phấn đấu trong 5 năm.

Trước mắt, bộ trưởng đề nghị ngài đại sứ xem xét việc cung cấp học bổng cho các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại Nhật Bản về kỹ thuật đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao cho các cán bộ đường sắt Việt Nam.

Nhật Bản nhiều lần đưa tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao

Hôm 11/3, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam, do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn, đã có buổi gặp và làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản. Tại đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Shunichi Suzuki bày tỏ sẵn sàng tham gia vào dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng như các dự án hạ tầng khác mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai.

Hồi tháng 1 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi khẳng định, các đề nghị của phía Việt Nam đều có ý nghĩa. Phía Nhật sẽ nghiên cứu, phối hợp để sớm đưa ra giải pháp khả thi.

Việt Nam đề nghị về 'siêu' dự án hơn 70 tỷ USD, đại diện nền kinh tế top đầu thế giới hồi đáp tích cực- Ảnh 2.

Đường sắt tốc độ cao tương lai của Việt Nam. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Tháng 11 năm 2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nhất trí cao với các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2023, Việt Nam liên tiếp có những cuộc làm việc song phương với lãnh đạo Nhật Bản và đều đạt kết quả tích cực liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá khoảng 70 tỷ USD.

Nhật Bản là cường quốc đường sắt tốc độ cao của thế giới

Không chỉ là một trong những nền kinh tế top đầu thế giới, Nhật Bản còn là quốc gia đi đầu thế giới về phát triển tàu cao tốc - 1 năm trung bình chỉ trễ 54 giây. Vì vậy, trong nhiều cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, lãnh đạo Việt Nam luôn ưu tiên, đề cập đến việc đề nghị phía bạn hỗ trợ xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Việt Nam đề nghị về 'siêu' dự án hơn 70 tỷ USD, đại diện nền kinh tế top đầu thế giới hồi đáp tích cực- Ảnh 3.

Shinkansen là hệ thống đường sắt tốc độ cao nổi tiếng thế giới. Ảnh: Vectezzy

Nhật Bản giới thiệu thiết kế đường sắt cao tốc lần đầu tiên vào năm 1964 và tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ, công suất và độ an toàn với dòng tàu Shinkansen. Trong khi phần lớn tàu Shinkansen hiện nay vận hành ở tốc độ tối đa 300 km/h, tàu viên đạn E5 của công ty đường sắt Japan Railways East (JR East) chạy ở 320 km/h trên tuyến Tohoku Shinkansen từ Tokyo tới Shin-Aomori.

Đặc biệt, tàu đệm từ L0 Maglev hiện đang được phát triển và thử nghiệm bởi Công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản (JR Central) đã giữ kỷ lục về tốc độ đường bộ đối với các phương tiện đường sắt trên thế giới, đạt tốc độ tới 601km/h.

Kế hoạch đưa L0 Maglev vào sử dụng thương mại vẫn đang được triển khai, phân đoạn đầu tiên (Tokyo đến Nagoya) dự kiến sẽ mở vào năm 2027, trước khi được mở rộng đến Osaka. Khi hoàn thành, L0 Series sẽ chạy với tốc độ vận hành tối đa 498km/h, thực hiện chuyến đi từ ga Shinagawa của Tokyo đến Osaka (gần 500km) chỉ trong một giờ bảy phút.

Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.


Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên