MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam - Điểm sáng phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tốc độ nhanh chóng khi các hoạt động kinh doanh đã sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19.

Trong khi tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới điều chỉnh giảm thì với kết quả kinh tế của Việt Nam quý II vừa qua đã củng cố thêm sự tin tưởng của các tổ chức quốc tế khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuần qua, báo chí quốc tế cũng đã có nhiều bài viết đánh giá cao sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Tờ Nikkei Asia ghi nhận sự khởi sắc trong xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may. Bài báo cho biết xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến đạt mức cao kỷ lục là 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Kinh tế Việt Nam quý II tăng trưởng nhanh nhất trong 11 năm qua" là nhan đề một bài viết của hãng tin Channel News Asia. Bài viết trích nhận định của Ngân hàng Thế giới cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ bất chấp những bất ổn gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc cũng như yếu tố lạm phát.

Việt Nam - Điểm sáng phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh - Ảnh 1.

Các hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.


Bà Dorsa Ti Madani - chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: "Số liệu tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng. Điều này có được là nhờ cả hai yếu tố đóng góp chính vào tăng trưởng: Một là thành tích xuất khẩu của Việt Nam rất vững chắc; thứ hai là tiêu dùng nội địa đang có được sự phục hồi lớn khi nền kinh tế đã hoàn toàn trở lại với cả các hạn chế về dịch COVID-19 được dỡ bỏ".

"Cho đến nay, thành tích của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lĩnh vực sản xuất trong nước tương đối ổn định. Chính phủ đã đưa ra chính sách đúng đắn trong việc cắt giảm một số loại thuế, đặc biệt là thuế môi trường đối với nhiên liệu để duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định.

Trong bức tranh kinh tế khởi sắc đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là một điểm sáng. Trong bài viết với nhan đề "Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ", trang Borneo Bulletin cho biết 5 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI tại Việt Nam ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo bài viết, Việt Nam cũng cần những nỗ lực để tiếp tục tăng sức cạnh tranh, giữ chân các dòng vốn FDI.

Ông David Daoice - Giáo sư Kinh tế, Đại học Harvard cho hay: "Trong bối cảnh toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất, Việt Nam cần tăng sức cạnh tranh để vừa giữ chân vừa tiếp tục thu hút các doanh nghiệp FDI bằng cách tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Việt Nam có tiềm năng trong việc định vị mình là một nơi như vậy. Ví dụ như tôi biết Toyota đã hợp tác với các công ty của Việt Nam để mua những linh kiện cho sản xuất ô tô của họ và gần đây nhất còn có sự chuyển dịch dây chuyền sản xuất Ipad của Apple sang Việt Nam".

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì đưa ra một đánh giá rất triển vọng. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD, xếp sau Indonesia và Thái Lan, vượt qua Malaysia, Philippines, Singapore.

Những thành quả đã đạt được sẽ góp phần tạo thế và lực cho kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm nay và cả năm sau.

Cùng với nhiều thách thức phải vượt qua, trong đó thách thức lớn nhất là phải kiểm soát được giá cả, kìm chế lạm phát, có thể thấy điểm thuận lợi của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát ở chỗ nước ta vẫn đang tự chủ được phần lớn nguồn cung lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI). Song tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng còn lại của năm nay vẫn còn ở phía trước.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

Trở lên trên