Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về không có tài khoản ngân hàng
Thanh toán không dùng tiền mặt đang rất được người Việt ưa chuộng (ảnh: minh họa, từ Internet)
Một nghịch lý là trong khi Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ người dân không có tài khoản ngân hàng, nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại đang rất chuộng thanh toán không tiền mặt...
Đây là một trong những yếu tố cho thấy sự tăng tiến vượt bậc của Việt Nam trong chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi hành vi và thói quen thanh toán của người dùng.
Kinh tế internet của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 ASEAN
Báo cáo của Maybank Group từ Malaysia, được thực hiện bởi Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn này, ông Chua Hak Bin và Chuyên gia phân tích Brian Lee Shun Rong có chủ đề "Vietnam Economics Asia’s Next Digital Tiger - Kinh tế Việt Nam, Con hổ kỹ thuật số châu Á tương lai", nêu bật các triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.
Trong đó, ông Chua Hak Bin và Chuyên gia phân tích Brian Lee Shun Rong nêu, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua, đạt 8,2% GDP vào năm 2021. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số lên 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Ưu thế dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ hỗ trợ khởi đầu cho Số hóa, với khoảng 70% dân số dưới 35 tuổi. Mức độ thâm nhập Internet đang tăng nhanh ở mức khoảng 70% dân số và chủ yếu dựa trên thiết bị di động. Tốc độ Internet đã tăng nhanh chóng. Tốc độ internet di động đã trở thành nhanh thứ hai trong ASEAN.
Một trong những điểm nhấn rất đáng chú ý là sự nở rộ kinh tế internet, thanh toán điện tử và là điểm thu hút các công ty.
Cụ thể, những lợi thế về nhân khẩu học và công nghệ, tốc độ phát triển internet đã giúp nền kinh tế Internet của Việt Nam phát triển mạnh, mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng. Nền kinh tế Internet đã phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong ASEAN-6, được đo lường bằng tổng giá trị hàng hóa mua bán (GMV). Từ năm 2015 đến 2019, GMV đã mở rộng với tốc độ trung bình +38% mỗi năm, trước khi tăng gấp đôi trong những năm đại dịch để đạt 21 tỷ USD vào năm 2021. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế internet Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Indonesia.
Thương mại điện tử đã tạo nền tảng cho sự mở rộng của nền kinh tế internet. Khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, GMV thương mại điện tử đã tăng +260% từ năm 2019 đến năm 2021.
Chi tiêu cho thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh số bán lẻ vào năm 2021 (2020: 5,5%), không xa so với mức 13,5% của Singapore.
Các hoạt động giải trí như livestream bán hàng, các cuộc thi mini game trực tuyến và chương trình ca nhạc của Lazada, Shopee và MoMo đã thúc đẩy sự quan tâm của khách hàng. Ngoài ra, mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến đã đạt được sức hút vào năm ngoái trong bối cảnh các đợt giãn cách và hạn chế di chuyển nghiêm ngặt. Theo báo cáo của Lazada, 58% người tiêu dùng nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến do sự tiện lợi được nâng cao.
"Việt Nam có 53 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số (54% dân số) tính đến năm 2021, với 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát (tính đến nửa đầu năm 2021). Đại dịch đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng (97% người mua sắm kỹ thuật số tham gia mới trong đại dịch) vẫn mua sắm trực tuyến tính đến cuối năm 2021 và 99% có ý định tiếp tục làm như vậy", báo cáo đánh giá.
Thanh toán không tiền mặt của Việt Nam phát triển vượt bậc
Việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển nhanh chóng trong đại dịch và sự gia tăng của thương mại điện tử. Một cuộc khảo sát với 15.000 nhà bán lẻ của công ty công nghệ Sapo cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2021 chiếm 72,8% tổng số giao dịch bán lẻ.
Maybank Group dẫn khảo sát thói quen thanh toán người tiêu dùng của Visa được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9/2021, cho dữ liệu tới 95% người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Con số này cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á (93%) và chỉ kém quốc gia dẫn đầu là Singapore 2%.
"Người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực (sau Thái Lan) về thái độ tích cực đối với thanh toán không dùng tiền mặt, cho thấy việc áp dụng sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. 83% người tiêu dùng dự định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên hơn, trong khi 77% thích các cửa hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Niềm tin vào các phương pháp không dùng tiền mặt là rất cao, với 80% cho rằng không dùng tiền mặt là một cách thanh toán an toàn hơn", các chuyên gia nhận định.
Trong nhóm các trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, theo Maybank, ví điện tử đã và đang đạt được sức hút đáng kể. Theo khảo sát của Visa, 75% người tiêu dùng thích sử dụng ví điện tử hơn thẻ tín dụng, sở thích sử dụng ví điện tử đứng thứ hai ở ASEAN sau Indonesia (81%). Điều này trái ngược với các quốc gia khác như Singapore (32%) và Campuchia (32%), nơi người tiêu dùng thích thẻ hơn. 44% người tiêu dùng đã sử dụng ví điện tử lần đầu tiên vào năm 2021, do đại dịch.
Một cuộc khảo sát của Decision Lab cho thấy 59% người được hỏi trên toàn quốc đã sử dụng ví điện tử để thanh toán trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2021, mặc dù tỷ lệ này nghiêng về Thành phố Hồ Chí Minh (68%) và Hà Nội (64%), trong khi các khu vực khác đang bị chậm lại khoảng 40%.
Có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử được cấp phép tại Việt Nam, tăng gấp tám lần so với khoảng 5 năm trước (2015). 3 ví điện tử chiếm khoảng 90% thị phần là MoMo, Moca và ZaloPay. Ví điện tử hàng đầu là MoMo chiếm 50% thị trường.
Báo cáo cũng nhấn mạnh về vai trò, sự xuất hiện của Mobile Money, loại hình thanh toán đã được các công ty viễn thông lớn như Viettel, VNPT và MobiFone ra mắt vào đầu năm 2022 như một phần của chương trình thí điểm kéo dài hai năm nhằm thúc đẩy thâm nhập hơn về tài chính, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa.
Tính đến nay, Mobile Money có gần 1,1 triệu người dùng, với khoảng 660.000 người ở các vùng nông thôn. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, khoảng 80.000 doanh nghiệp đã chấp nhận phương thức thanh toán này trên toàn quốc tính đến quý 1 năm nay.
Với sự phát triển của kỹ thuật số mang lại nhiều lợi thế cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Trong đó, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và có nhiều sự lựa chọn hơn. Sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới có thể được đặt hàng thuận tiện trên thiết bị di động và được giao đến tận nhà trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ, giúp tiết kiệm nhu cầu ghé thăm các cửa hàng truyền thống. Bên cạnh việc trở thành một cách thuận tiện hơn để thanh toán, thanh toán kỹ thuật số có thể cải thiện khả năng bao gồm tài chính cho những người không có ngân hàng, báo cáo nhận định.
"Có thể nói, số hóa được coi là một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng dài hạn hay nói cách khác, là "vũ khí" để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, thực thi tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045", các chuyên gia của Maybank Group (Malaysia) nhận định.
Diễn đàn doanh nghiệp