MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam duy trì hơn 110 nghìn ha cao su ở nước ngoài

Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình của Tập đoàn Cao su là 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ, lợi nhuận 9.000 tỷ vào năm 2020...

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt.

Theo đó, Phó thủ tướng cũng nhất trí với quan điểm chiến lược kinh doanh của tập đoàn, trong đó, cần duy trì và phát triển vị thế là một tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm; tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu thông qua cổ phần hóa; tăng năng suất và thu nhập của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của tập đoàn.

Về mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó thủ tướng đồng ý với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 20%. Lợi nhuận toàn Tập đoàn trên vốn điều lệ bình quân 17%/năm.

Duy trì tổng diện tích cao su đến 2020 khoảng 400.000 ha, trong đó trong nước khoảng 285.000 ha, nước ngoài 115.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng cường công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60.000 tấn hiện nay lên 105.000 tấn vào năm 2020; sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn năm 2020.

Về giải pháp để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó thủ tướng yêu cầu tập đoàn chú trọng đến trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su, tăng năng suất lao động; dự báo tốt thị trường để linh hoạt điều chỉnh các chủng loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và có giá trị gia tăng cao để tăng doanh thu và hiệu quả.

Sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với quy định nguồn vốn tự có của tập đoàn và nguồn vốn tích lũy hàng năm. Mở rộng quan hệ với các định chế tài chính trong và ngoài nước để huy động nguồn cho các dự án thông qua nhiều hình thức như vay hợp vốn, phát hành trái phiếu…; thực hiện tốt công tác đào tạo cho lao động trực tiếp, tăng cường đội ngũ quản lý kỹ thuật cấp công ty và nông trường để xây dựng chương trình nâng cấp vườn cây trong thời gian sớm nhất.

Theo Cẩm Thúy

Vneconomy

Trở lên trên