Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Không chỉ là thị trường đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam đang ngày càng trở thành mối quan tâm đối với các quỹ đầu tư từ Vùng Vịnh.
- 27-10-2022Đại biểu Quốc hội: Nhà đầu tư trong nước có thể mua công nghệ để làm đường sắt đô thị
- 26-10-2022Nhà đầu tư châu Âu liệu có thực sự cần nhân lực giá rẻ, như tại Việt Nam?
- 25-10-2022Việt Nam ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư vùng Vịnh
Trong một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) được thực hiện với hơn 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 trong số "các quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư", chỉ sau Mỹ.
Trong đó, lĩnh vực đầu tư thế mạnh tại Việt Nam vẫn là sản xuất linh kiện, phụ tùng và công nghệ cao. Trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn và duy trì tăng trưởng tốt, bất chấp sự sụt giảm đầu tư tại các thị trường khác.
Hai sản phẩm gồm "cửa hành khách" và "cửa khoang hàng" cho máy bay Boeing được Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam - doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam. Đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, đến nay doanh nghiệp này đã cung cấp số lượng lớn linh kiện cửa cho máy bay của Boeing.
"Việt Nam đáp ứng hầu hết các yêu cầu về sản xuất của chúng tôi. Ví dụ như linh kiện cửa của máy bay Boeing 777 có tới 6.300 chi tiết, chỉ cần sai một chi tiết thôi cũng ảnh hưởng lớn tới an toàn. Với nguồn lực ở Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng và nhận được đánh giá cao từ phía khách hàng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất với trọng tâm là Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam", ông Matsumoto Issei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, cho biết.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam, mà trước đây thường được làm tại Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước ASEAN. Ví dụ như Công ty TNHH Terumo Việt Nam của Nhật Bản, chuyên sản xuất các thiết bị điều trị can thiệp mạch máu có độ chính xác cao.
"Sản phẩm của công ty chúng tôi là thiết bị y tế nên yếu tố chất lượng cao phải được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo chất lượng cần sự khéo léo và nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề của Việt Nam đã đáp ứng tốt các tiêu chí đó của chúng tôi", ông Muto Kunihiko, Giám đốc hành chính cấp cao, Công ty TNHH Terumo Việt Nam, cho hay.
Ngoài những ưu điểm tại Việt Nam như vị trí thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đối mặt với những thách thức như bất ổn về năng lượng toàn cầu, chi phí lao động tăng, thủ tục hành chính còn phức tạp…
"Chúng tôi nghĩ rằng việc giá cả nguyên liệu tăng cao, tình hình sản xuất ở Trung Quốc vẫn chưa hồi phục, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Việt Nam đã dần kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện và niềm tin để doanh nghiệp đầu tư", ông Nagaoka Taketoshi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo JETRO, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2021 và đã giảm 49% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ. Tuy nhiên đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng, hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% năm 2022. Lĩnh vực đầu tư không chỉ dừng lại ở sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, mà đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, y tế, nông lâm thủy sản, thậm chí cả fintech.
Đối với các quỹ đầu tư từ Vùng Vịnh cũng đang rất khả quan, Việt Nam đang ngày càng trở thành mối quan tâm đối với các quỹ này.
Trước đây, Việt Nam không phải là cái tên quen thuộc trên bản đồ đầu tư của khu vực này, giờ đây, thực tế ấy đang dần thay đổi.
Vùng Vịnh, giá dầu cao đang khiến các hoạt động đầu tư trở nên tấp nập. Tiền nhàn rỗi tăng đột biến cả ở cấp độ tổ chức lẫn cá nhân, tạo ra một nhu cầu lùng tìm những điểm đến đầu tư để sinh lời. Abrahamic là mạng lưới tập hợp các nhà đầu tư tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Israel. Thời gian qua, tổ chức đã đưa Việt Nam vào một trong những mục tiêu ưu tiên.
"Đại dịch rồi lại lạm phát, những biến động của kinh tế thế giới..., không quốc gia nào tránh khỏi bị tác động, nhưng hãy nhìn Việt Nam đã chống chịu như thế nào để giúp nền kinh tế của mình không bị tụt dốc quá mức trong đại dịch và tăng trưởng ra sao trong giai đoạn phục hồi... Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt. Cơ chế Một cửa thu hút đầu tư của Việt Nam chẳng hạn. Nó đã xóa bỏ đi rất nhiều những vướng mắc thủ tục cho các nhà đầu tư", ông Raphael Nagel, Chủ tịch Tổ chức Đầu tư Abrahamic Circle, đánh giá.
Amima cũng là một quỹ đầu tư đang dành nhiều sự quan tâm tới Việt Nam. Chuyên đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua là giai đoạn hoạt động không ngừng nghỉ của Amima, khi các nền kinh tế Vùng Vịnh hậu đại dịch đang ngày càng ý thức hơn về an ninh lương thực.
Dự kiến tháng 11 này tổ chức sẽ gửi đại diện tới Việt Nam, trực tiếp tìm hiểu về những cơ hội đầu tư.
"Khi đầu tư vào một quốc gia , chúng tôi quan tâm tới sự cam kết, tính nhất quán và những thành tích của quốc gia ấy thời gian qua. Và những gì chúng tôi đang thấy được từ Việt Nam đều là những tín hiệu tích cực. Nó thôi thúc chúng tôi sang Việt Nam để đi tìm cơ hội cho mình", ông Abdalatti Abuassi, Quỹ đầu tư Nông nghiệp Amima, UAE, cho biết.
Còn từ góc nhìn của giới chuyên gia kinh tế, các luồng vốn mới tìm tới Việt Nam đang đến như một xu thế.
"Như tỷ phú Ấn Độ Adani - giàu thứ 2 thế giới, mới đây đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam. Nó cho thấy sự nhìn nhận tích cực như thế nào vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam đang vượt lên với những lý giải cụ thể. Tất cả đều rất công khai, rõ ràng, đã tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư", Tiến sĩ Tilottama Mukherjee, chuyên gia kinh tế, nhận định.
Còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế Việt Nam để hưởng lợi đến đâu từ các dòng vốn từ Vùng Vịnh, tuy nhiên cũng có thấy trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, hình ảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang không ngừng được cải thiện.
Về FDI, tính từ đầu năm đến ngày 20/10, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã đạt gần 17,5 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Còn dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 22 tỷ USD, tăng cao nhất có thể lên tới 11,5% so với 2021.
VTV.VN