Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng 8 – 9%, thay vì loay hoay mức 6,7%, nếu…
Cho rằng mức tăng trưởng GDP 6,7% là thấp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá tiềm lực của Việt Nam phải là đạt tăng trưởng 8 – 9%.
- 22-06-2017Chính phủ Nhật Bản đánh giá lạc quan về tăng trưởng kinh tế
- 21-06-2017TS Cấn Văn Lực 'hiến kế' giúp mục tiêu tăng trưởng 6,7% cán đích : Hãy làm sao để người Việt chịu mua sắm nhiều hơn!
- 21-06-2017Tăng trưởng GDP 6,7% trong tầm kiểm soát của Chính phủ
- 16-06-2017Giá dầu nằm đáy 7 tháng do dư cung
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Tăng trưởng trong tầm tay
Để đạt được mức này, TS. Cung cho biết trước tiên phải cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông cho biết tài sản của khối doanh nghiệp này đang là 300 tỷ USD, nếu tăng được 1 điểm %, sẽ thu về 3 tỷ USD, bằng 1,5 điểm % GDP. Ông Cung đánh giá dư địa này có thể đạt được đến 4 điểm % tăng trưởng.
Dư địa thứ 2, TS. Cung chỉ ra là ở khu vực kinh tế tư nhân với tổng tài sản ước tính 200 tỷ USD. “Nếu tăng được 1 điểm %, chúng ta sẽ có thêm 2 tỷ USD. Đây là dư địa tăng trưởng thuận lợi”, ông nói.
Thứ 3, ông đề cập đến việc phải tạo thuận lợi để giải ngân vốn FDI. Hiện khối FDI đang còn 180 tỷ USD, bên cạnh đó, còn 15 tỷ vốn ODA chưa được giải ngân.
Thứ 4, theo ông Cung là phải giảm phí cho doanh nghiệp. Đây là dư địa rất lớn. Ví dụ chi phí logistics đang chiếm đến gần 21% GDP, do đó, chỉ cần giảm được 1 điểm % thì kinh tế Việt Nam có thêm được 4 tỷ USD.
“Thực tế giảm 1 – 2% là trong tầm tay, như thế có thêm gần 10 tỷ USD của tăng trưởng”, Viện trưởng CIEM nhận định.
Số liệu thống kê cho biết hiện 66% doanh nghiệp đang phải chi trả những chi phí không chính thức. Doanh nghiệp cũng đang bị nhũng nhiễu bởi các đoàn thanh kiểm tra, trong đó, doanh nghiệp càng lớn thanh tra càng nhiều. Thống kê cũng cho thấy chỉ 48% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư kinh doanh, trong khi đó, những năm 2000 – 2006 có 75 - 80% số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh.
Dù vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng còn có cơ hội thúc đẩy những doanh nghiệp hiện hành mở rộng đầu tư, phát triển.
“Chúng ta tập trung vào tăng trưởng 2 vùng kinh tế động lực là Hà Nội và TP. HCM, chiếm hơn 50% GDP cả nước, 70% FDI, hơn 2/3 tổng thu ngân sách cả nước... nếu chỉ tăng trưởng 1 điểm phần trăm cho khu vực tứ giác phát triển gồm TP HCM- Bình Dương – Đồng Nai – Vũng Tàu thì kinh tế Việt Nam đã tăng được khoảng 0,4 điểm phần trăm. Chúng ta nên tập trung vào tăng trưởng 2 khu vực trên”, ông Cung nói.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung nói rằng cần tập trung vào những ngành tập trung vào tăng năng suất lao động, và giảm quy mô các ngành có năng suất lao động để phân bố nguồn lực tốt hơn.
Ông nhận định “Tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt 8 - 9% GDP chứ ko phải 6,7% mà hết sức chật vật hiện nay”.
Hạ tầng là yếu tố quan trọng
Bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Viện trưởng CIEM cho rằng cần phải kiên quyết thực hiện kỷ luật tài khoá, đóng băng chi thường xuyên.
Xác định TP.HCM là một trong những đầu tàu cả nước, ông Cung cho rằng phải tập trung hạ tầng theo hướng tăng kết nối cho khu vực này, tập trung vào các dự án cấp bách như nâng công suất cảng Cái Mép – Thị Vải lên 70 – 80% thay vì chỉ 30 – 40% như hiện nay.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp đường thuỷ nội địa ở Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long.
“Tôi cho rằng nên tập trung vào khu vực thuỷ nội địa hơn là đầu tư cao tốc”, ông Cung nói.
Để nâng cấp hạ tầng, ông Cung cho rằng nên cho phép các Bộ điều chỉnh tập trung vốn cho các dự án thuộc loại ưu tiên hiệu quả nhất trong phạm vi vốn trung hạn đã được bố trí; Xây dựng báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chuẩn mực tài chính kế toán quốc tế… Trong đó, nhấn mạnh đến việc thực hiện kỷ luật, kiên quyết loại bỏ, bãi nhiệm những ai không đạt yêu cầu.
“Tôi cho rằng những việc này hoàn toàn có thể đạt được dễ dàng nếu có kỷ luật tốt”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh việc phải tập trung cổ phần hoá nhà nước, lấy tiền thu được từ cổ phần hoá đầy tư cho dự án trọng tâm cho 2 đầu tàu cả nước; Nghiên cứu thuế đất và xử lý nguy cơ trên thị trườngd BĐS; Tập trung thu hút phát triển du lịch; Áp dụng cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; Giảm bớt điều kiện kinh doanh…
TS. Nguyễn Đình Cung nói rằng nếu phân bổ hợp lý, cải cách một cách hiệu quả, chúng ta sẽ tạo đà tốt hơn từ năm 2020 trở đi.
“Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 8% trở lên chứ không phải loay hoay mức tăng trưởng 6 – 7% như hiện nay”, ông Cung nhấn mạnh.