MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam học được gì từ các chu kỳ khủng hoảng kinh tế trong quá khứ?

Căn cứ vững chắc cho nhận định kinh tế Việt Nam tạo đỉnh và đi xuống trong năm 2019 là chưa có. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế có tính chu kỳ đối với nền kinh tế mở như Việt Nam là không tránh khỏi, và việc tham khảo từ quá khứ là điều hữu ích.

Báo cáo chuyên đề của MBS mới đây đã chi tiết lại các giai đoạn của kinh tế Việt Nam, đồng thời rút ra những kinh nghiệm nhằm đối phó với khủng hoảng, nếu xảy đến.

Hai giai đoạn xuống đáy của nền kinh tế

Theo MBS, trong quá khứ từ khi áp dụng nền kinh tế thị trường một cách rộng rãi vào đầu những năm 1990 tới nay, kinh tế Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn khó khăn.

Ở giai đoạn 1998 – 1999, tăng trưởng GDP suy giảm xuống mức thấp nhất là 4,77% vào năm 1999. Tuy nhiên thời gian diễn ra đợt suy giảm ngắn và các cân đối vĩ mô tuơng đối được giữ vững. Lạm phát chỉ tăng trong một năm 1998 và cũng ở mức không quá cao là 8,1%.

Việt Nam học được gì từ các chu kỳ khủng hoảng kinh tế trong quá khứ? - Ảnh 1.

Nguồn: GSO

Mặc dù khủng hoảng tài chính xảy ra đồng loạt tại các quốc gia Đông Nam Á và đồng nội tệ của các quốc gia này giảm mạnh cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh song Chính phủ cũng chỉ phải thực hiện hai lần tăng giá USD từ từ 11.113 đồng năm 1996 lên 13.908 đồng năm 1998.

Tổng cộng VNĐ giảm 25% giá trị so với USD. Cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững và Việt Nam nhẹ nhàng vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực chỉ trong 2 năm mà không chịu hậu quả đáng kể nào.

Giai đoạn thứ hai, từ 2008 – 2012, tăng trưởng GDP giảm xuống mức thấp nhất là 5,03% vào năm 2012. Thời gian diễn ra đợt suy giảm kéo dài cộng thêm bất ổn kinh tế vĩ mô thường xuyên diễn ra với tình trạng lạm phát phi mã và căng thẳng tỷ giá.

Xen giữa giai đoạn suy thoái thứ hai là một nhịp phục hồi nhẹ năm 2009, 2010 khi Chính Phủ triển khai gói kích thích kinh tế mạnh tay. Về bản chất, gói kích thích kinh tế năm 2009 vẫn dựa trên việc nới lỏng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bao gồm cả tăng tín dụng, giảm lãi suất, tăng chi tiêu NSNN và giảm thuế.

Việt Nam học được gì từ các chu kỳ khủng hoảng kinh tế trong quá khứ? - Ảnh 2.

Nguồn: MBS tổng hợp

Gói kích thích kinh tế 2009 chỉ giúp cho nền kinh tế phục hồi nhẹ trong năm 2010 song để lại hậu quả trầm trọng trong các năm sau với tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài.

Trước năm 2008, Việt Nam đã trải qua thời kỳ bùng nổ đầu tư với chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng kéo dài gây nên tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả ở cả khu vực nhà nước và tư nhân. Do đó, nguồn tiền bị hút vào chứng khoán, BĐS khiến khu vực sản xuất bị chững lại. Bởi vậy, gói kích cầu 2009 đã góp phần làm cho tình hình trầm trọng hơn.

Từ cuối năm 2010, kinh tế xã hội đã xấu đi rất nhanh. Kinh tế bất ổn nghiêm trọng với tình trạng tăng trưởng sụt giảm, lạm phát cao, tỷ giá căng thẳng và nhập siêu cao.

Số phận các giai đoạn do sự khác biệt quan điểm điều hành

Như vậy, sự khác biệt giữa hai giai đoạn khó khăn của kinh tế Việt Nam 1998-1999 và 2008- 2012 đó chính là cách thức và quan điểm điều hành kinh tế của Chính phủ và NHNN trước các cú sốc từ bên ngoài cũng như động lực tăng trưởng chính yếu của giai đoạn trước khủng hoảng.

Động lực tăng trưởng của giai đoạn trước năm 1998 chủ yếu là các giải pháp cải cách cơ cấu nền kinh tế. Đơn cử sự ra đời của hàng loạt bộ luật giải phóng năng lực và khuyến khích tư nhân phát triển.

Trong khi đó, động lực tăng trưởng của giai đoạn trước 2008 chủ yếu là sự gia tăng hoạt động đầu tư đặc biệt là giai đoạn 2005 – 2007. Ngoài Luật Doanh nghiệp (2000) được coi là một cải cách mạnh mẽ giai đoạn này không có một cải cách kinh tế đáng kể nào nữa. Nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu bằng sự gia tăng vốn đầu tư.

Cách điều hành kinh tế của Chính phủ trước các cú sốc 1997 và 2008 cũng khác nhau khá rõ nét.

Sau năm 1997, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu cải cách cơ cấu nền kinh tế, giải phóng các nguồn lực sản xuất trong xã hội. Không có một gói kích thích tiền tệ hay tài khoá đáng kể nào được tung ra thay vào đó là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cổ phần hóa DNNN và các hiệp định thương mại được ký kết giúp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp.

Trái lại sau cú sốc năm 2008, Chính phủ Việt Nam loay hoay với các giải pháp mang tính tình thế với các gói kích thích mạnh tay khi nới lỏng cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa để rồi sau đó lại phải vội vã áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ khắc nghiệt khi lạm phát leo thang và tỷ giá căng thẳng.

Khối DNNN, đặc biệt là các tập đoàn lớn đã được ưu ái tiếp cận nguồn lực thông qua các gói kích cầu và khu vực này đã chèn lấn khu vực tư khiến động lực khu vực tư nhân giảm hẳn trong giai đoạn 2008 – 2012 giảm hẳn khi tỷ trọng đầu tư từ khu vực tư gần như không tăng.

Theo quan sát của MBS, hiện nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng với các giải pháp điều hành rất đúng đắn của Chính phủ và NHNN.

Trong thời gian tới nền kinh tế thế giới vẫn sẽ có xu hướng ổn định tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục kiên định quá trình cải cách kinh tế. MBS cho rằng yếu tố bên ngoài chỉ có thể khiến cho kinh tế trong nước giảm tốc, còn chính những yếu kém bên trong mới đáng lo ngại.

Do đó, nếu Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, tái cơ cấu các DNNN và kiện tòan hệ thống ngân hàng, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua được những chu kỳ kinh tế xảy ra trong tương lai.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên