Việt Nam hướng tới thương mại hóa 5G
Việt Nam được đánh giá cao khi tham gia nhanh vào quá trình phát triển, thử nghiệm, tiến tới phủ sóng thương mại hóa 5G.
- 15-12-2021CEO May 10: 'Có thời điểm, chúng tôi mất 6 tuần tìm container và tàu để xuất khẩu'
- 15-12-2021Bộ KH&ĐT dự kiến thanh tra hàng loạt dự án đầu tư tại nhiều tỉnh trong năm 2022
- 24-11-2021Một trường Đại học tại Hà Nội sắp biến thành "tiểu đô thị thông minh": Phủ sóng mạng 5G, có xe tự hành, robot, thiết bị bay,...
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu, triển khai thương mại 5G đang được đẩy mạnh trên thế giới, với sự tham gia của 180 nhà mạng tại 72 quốc gia/vùng lãnh thổ
Tại diễn đàn trực tuyến quốc tế "5G - thúc đẩy chuyển đổi số" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 14/12 tại Hà Nội, Việt Nam được đánh giá cao khi tham gia nhanh vào quá trình phát triển, thử nghiệm, tiến tới phủ sóng thương mại hóa 5G.
Dự báo, công nghệ 5G sẽ đóng góp hơn 7% vào GDP Việt Nam năm 2025, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề và là cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Vì vậy, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, chính sách đưa ra như: ban hành các quy chuẩn quốc gia về 5G; sử dụng chung hạ tầng 5G để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng.
"Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo triển khai mạng cáp quang đến thôn bản và chương trình viễn thông công ích đã được trình Thủ tướng. Cùng với chương trình sóng và máy tinh cho em, cáp quang sẽ được triển khai đến tất cả các thôn bản", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết.
Triển khai thương mại 5G đang được đẩy mạnh trên thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh/thành phố trên cả nước, với hơn 500.000 thuê bao, tốc độ trung bình đạt từ 500 - 600 Mbps, nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hóa 5G trong năm 2022. Những nơi sẽ được sớm phủ sóng 5G là các khu công nghiệp công nghệ cao; khu vực có nhu cầu; y tế, giao thông thông minh. Năm 2030, 5G sẽ được phủ sóng trên toàn quốc.
"Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tại Việt Nam, những ngành sản xuất, năng lượng, tiện ích, y tế, an ninh, giao thông... sẽ tận dụng tốt nhất các cơ hội và lợi ích của 5G đem lại. Chuyển đổi số của doanh nghiệp thông qua 5G sẽ nâng cao năng suất lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, thúc đẩy nền kinh tế số và hệ sinh thái số", ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, nhận định.
Đặc biệt, làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam sẽ được chú trọng thời gian tới, hướng tới cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng.
VTV.VN