MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam hút nhà đầu tư ngoại đổ mạnh tiền vào năng lượng tái tạo

Lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại nhờ vào những lợi thế tự nhiên. Ông Stuart Broadley, CEO của Hội đồng Công nghiệp năng lượng Anh từng nhận định đây là nơi hoàn hảo để khởi đầu cho những nhà đầu tư muốn thiết lập kinh doanh.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy trong năm 2017, 63% khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo trên toàn thế giới thuộc về các nước đang phát triển, tăng 9% so với năm 2016.

Điều này là nỗ lực lớn của chính phủ các nước trong xu hướng sử dụng năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam không đứng ngoài xu hướng này bằng việc có một loạt các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời được thi công và đi vào hoạt động trong năm 2018.

Điều kiện tuyệt vời cho khai thác năng lượng sạch

Tiềm năng năng lượng mặt trời có thể khai thác được căn cứ vào bức xạ mặt trời. Việt Nam là khu vực có bức xạ mặt trời hàng năm tương đối lớn và ổn định, đặc biệt là các khu vực Cao nguyên miền Trung, duyên hải miền Trung và miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính trung bình toàn quốc thì năng lượng bức xạ mặt trời là 4-5kWh/m2 mỗi ngày, số ngày nắng nóng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm. Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1.800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng.

Đối với Việt Nam, tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam. Theo GreenID, tiềm năng có thể khai thác cho sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời tại Việt Nam ước tính khoảng 13.000 MW.

Theo mục tiêu của Chính phủ, điện mặt trời dự kiến ​​sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính của trong tương lai, với công suất lắp đặt tăng từ 6 - 7 MW vào cuối năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020, tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của cả nước. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 12.000 MW vào năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của cả nước.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, tổng quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000MW. Trong đó, khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000MW đã được chấp thuận đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trước tháng 6/2019.

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và có hơn 3.000 km đường bờ biển bao quanh, Việt Nam cũng được ban tặng một nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển điện gió.

Việt Nam hút nhà đầu tư ngoại đổ mạnh tiền vào năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Còn tại báo cáo của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3), tiềm năng năng lượng gió tại độ cao 80m của Việt Nam có vận tốc trung bình năm lớn hơn 6 m/s là khoảng 10.637 MW, với diện tích khoảng 2.659 km2, tương đương khoảng 0,8% diện tích cả nước. PECC3 cho rằng khu vực này mới khả thi về tài chính. Còn theo GreenID tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ở Việt Nam là khoảng 27.750 MW.

Tính đến tháng 10/2018, cả nước có 6 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất gần 200 MW và khoảng 100 MW đang trong quá trình xây dựng sẽ được nối lưới vào năm 2018. Do vậy, điện gió còn rất nhiều tiềm năng chưa được phát triển.

Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực VII sửa đổi, Việt Nam đặt ra mục tiêu có 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030.

Sự xâm nhập ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài

Trong những năm gần đây, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn, không chỉ của các nhà đầu tư trong nước mà còn cả nước ngoài.

Ngày 17/5, 75 doanh nghiệp thành viên của Hội đồng Công nghiệp năng lượng Anh (EIC) đã tới khảo sát thị trường năng lượng Việt Nam hướng đến việc xây dựng chuỗi giá trị trong ngành năng lượng Việt Nam. Ông Stuart Broadley, CEO của (EIC) nhận định: "Việt Nam là nơi hoàn hảo để khởi đầu cho những nhà đầu tư muốn thiết lập kinh doanh ở khu vực màu mỡ này".

Superblock Pcl, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan, cũng có kế hoạch đầu tư 1,76 tỷ USD để xây dựng các trang trại điện gió có tổng công suất 700MW ở Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu, Superblock Pcl dự kiến rót 651,84 triệu USD để xây dựng 3 nhà máy điện gần bờ tại 3 tỉnh phía Nam là Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau, với công suất lần lượt là 142MW, 98MW và 100MW.

Ông Jormsup Lochaya, Chủ tịch Superblock Pcl, cho biết các nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2020. Giai đoạn hai sẽ khởi công sau khi giai đoạn một kết thúc bằng việc lắp đặt thêm 360MW tại 3 tỉnh nói trên và sẽ khởi công sau khi giai đoạn một kết thúc.

Ngày 11/6, trong buổi làm việc của Đoàn công tác Xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Bình tại nước Cộng hòa Philippines, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cùng với đại diện của AC Energy, Inc. và B&T Windfarm (Philippines) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Trang trại điện gió B&T với công suất 352 MW tại tỉnh Quảng Bình với tổng mức đầu tư: 493 triệu USD, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư công suất 252 MW, với tổng mức đầu tư là 353 triệu USD.

Với tiềm năng lý thuyết điện gió và điện mặt trời dồi dào trên cả nước, cộng với sự phát triển của công nghệ, cũng như chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo của Chính phủ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều các dự án điện gió, điện mặt trời trên khắp cả nước.

Thuỳ Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên