MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam “lội ngược dòng” do chủ động và linh hoạt

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Quốc hội

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Quốc hội

Ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, ngày 18/9.

Theo ông Thắng, thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, đối với chính sách tiền tệ, lạm phát hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", các ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức chênh lệch vừa phải giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, tỉ giá Việt Nam đồng so với USD đang chịu nhiều sức ép do xuất khẩu có thể giảm tốc. Lãi suất trong nước cũng có thể sẽ tăng lên trước áp lực tăng lãi suất trên toàn cầu.

Các thị trường tài sản như chứng khoán và đặc biệt là bất động sản cần thích ứng với mặt bằng lãi suất mới. Các doanh nghiệp lớn sử dụng đòn bẩy tài chính cao (tức là có tỷ lệ vay vốn cao) từng được hưởng lợi khi lãi suất thấp trong hai năm đại dịch vừa qua, cần thích ứng với việc mặt bằng lãi suất tăng, dòng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, huy động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn (do các quy định chặt chẽ) trong khi một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022-2024.

Đối với chính sách tài khóa, thu ngân sách năm 2021 không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn đạt dự toán; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP năm 2021 được giữ ở mức khoảng 4%; tỉ lệ nợ công/GDP năm 2021 giảm xuống còn trên 43%, thấp hơn nhiều mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép và nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách tuy có tăng so với năm 2020 nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn, cho thấy chính sách tài khóa vẫn còn dư địa.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến rủi ro bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước.

Với quản lý, điều hành giá cả thị trường, ông Thắng nhấn mạnh cần hết sức chú trọng quản lý giá cả của những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, qua đó tác động rất lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát.

Đồng bộ thể chế để phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững

Cần giải quyết căn cơ, đồng bộ ở cả 3 khâu: sản xuất, nhập khẩu và phân phối kết hợp với hỗ trợ bình ổn giá cả thị trường. Cơn chấn động giá xăng dầu vừa qua trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới rơi vào khủng hoảng là bài học kinh nghiệm quý về việc quản lý giá cả theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội, nhất là không được để mất lòng tin nhân dân.

Việt Nam “lội ngược dòng” do chủ động và linh hoạt - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Việt

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện “dài nhiều kỳ” về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được, có nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm…trong việc triển khai các dự án lớn.

Hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều rủi ro bởi thiếu vắng sự giám sát an toàn hệ thống, về sở hữu chéo, về giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm luật pháp…

Lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại những bất cập liên quan đến các quy định về xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án, về quản lý loại hình bất động sản hỗn hợp, về quy trình, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư và triển khai các dự án, chính sách hỗ trợ cân đối nguồn cung về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội...

Mục tiêu phát triển thị trường lao động - việc làm đồng bộ, hiện đại và thông suốt, theo ông Thắng, cần được thực hiện tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đảm đương tốt vai trò bảo vệ người lao động trước các cú sốc kinh tế và phi kinh tế.

Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, đưa hoạt động đào tạo nghề phát triển về chất giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, khắc phục những điểm nghẽn nói trên là điều kiện quan trọng để mở rộng dư địa chính sách, gia tăng tính chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực", ông Thắng nói.

Theo Nguyễn Việt

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên