MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam lọt Top 7 cường quốc đóng tàu toàn cầu, trở thành 'thế lực không thể xem thường': Vươn tới ngôi vị quán quân ĐNÁ

13-07-2023 - 07:20 AM | Tài chính quốc tế

Theo ông Kenny Yong, với những lợi thế "độc nhất", ngành đóng tàu Việt Nam đã nổi lên như "một thế lực cạnh tranh không thể xem thường".

Việt Nam lọt Top 7 cường quốc đóng tàu toàn cầu, trở thành 'thế lực không thể xem thường': Vươn tới ngôi vị quán quân ĐNÁ - Ảnh 1.

Việt Nam lọt top 7 cường quốc đóng tàu thế giới

Công nghiệp đóng tàu là một ngành công nghiệp đặc thù. Báo cáo từ Market Reports World chỉ ra rằng hoạt động trong lĩnh vực này đang có xu hướng bùng nổ.

Ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu đang có giá trị ước tính 167 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,45% từ đây cho tới năm 2028, ước tính đạt giá trị 229 tỷ USD vào cuối giai đoạn dự báo.

Mới đây, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách Top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng (so với toàn cầu) trong năm 2021 của các quốc gia.

Đáng chú ý, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%. Xếp ở các vị trí phía trên lần lượt là Đức (0,63%), Italia (0,82%), Philippines (1,06%), Nhật Bản (17,6%), Hàn Quốc (32,4%) và đứng đầu là Trung Quốc (44,2%).

Việt Nam lọt Top 7 cường quốc đóng tàu toàn cầu, trở thành 'thế lực không thể xem thường': Vươn tới ngôi vị quán quân ĐNÁ - Ảnh 2.

Tổng công ty Sông Thu tổ chức Lễ hạ thủy tàu công trình MUC 1908 đóng mới cho Tập đoàn Damen (Hà Lan). Ảnh: Tạp chí Công nghiệp tàu thủy

Theo Insider Monkey , Việt Nam có tiềm lực đóng tàu khá mạnh với hơn 100 bến cảng và gần hai chục nhà máy đóng tàu.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong nước, những con số này còn lớn hơn nhiều. Tháng 4/2022, Bộ Giao thông vận tải đã ra Quyết định số 552, trong đó bổ sung thêm 10 bến cảng mới vào danh mục bến cảng thuộc các cảng biển của Việt Nam, nâng tổng số bến cảng toàn quốc lên con số 296.

Trong khi đó, theo Cục Hàng hải Việt Nam, trên cả nước hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của nhà máy đóng mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.

Sản lượng đóng tàu hàng năm tăng gấp 10 lần

Theo Báo cáo nghiên cứu công nghiệp đóng tàu Việt Nam 2023-2032 trên "Research and Markets" - nền tảng cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng,

Nhìn chung, thị phần của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển.

Từ ngày 5-7/7 vừa qua, Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (VIMOX 2023) đã lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, với sự góp mặt của hơn 100 đơn vị hàng hải đến từ nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam lọt Top 7 cường quốc đóng tàu toàn cầu, trở thành 'thế lực không thể xem thường': Vươn tới ngôi vị quán quân ĐNÁ - Ảnh 3.

Khách tham quan triển lãm VIMOX 2023. Ảnh: Trần Quốc Việt/TTXVN

Tại triển lãm, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã đặc biệt đánh giá cao vị thế của ngành hàng hải Việt Nam, cũng như tiềm năng to lớn của ngành đóng tàu.

Theo ông Kenny Yong, Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media, VIMOX 2023 có thể xem là bước ngoặt quan trọng của ngành đóng tàu toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Sự tham gia đông đảo của các đơn vị hàng hải đến từ khắp nơi trên thế giới là minh chứng cho tiềm năng phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam.

TS. Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy cho biết : "Sản lượng đóng tàu hàng năm của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần so với những năm 1990" .

Thế lực cạnh tranh không thể xem thường

Nhận định về vị thế của ngành đóng tàu Việt Nam, ông Kenny Yong cho rằng, với lợi thế địa lý chiến lược, đường bờ biển dài, cùng lực lượng lao động lành nghề, ngành đóng tàu Việt Nam đã nổi lên như "một thế lực cạnh tranh không thể xem thường".

Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media nhấn mạnh, Việt Nam có vị trí địa lý hàng hải quan trọng - nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia.

"Tiềm năng cho thị trường đóng tàu của Việt Nam là rất lớn. Do đó, việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và công nghệ đóng tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng" - Ông Yong nói.

Theo Báo cáo về ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam của OECD, đóng tàu là một trong những ngành công nghiệp lớn nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Công suất của các nhà máy đóng tàu ở Việt Nam thực sự có bước chuyển lớn vào năm 1999, khi Hyundai Việt Nam [liên doanh giữa Nhà máy đóng tàu Hyundai Mipo (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - Việt Nam)] chuyển sang lĩnh vực đóng mới tàu.

Sau 15 năm, tổng số đơn hàng lũy kế mà Huyndai nhận được đã tăng lên 199 đơn hàng và công ty đang hướng tới mục tiêu trúng thầu con tàu thứ 200. Hiện nay, công ty đóng tàu Hyundai Việt Nam đã trở thành nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á.

Việt Nam lọt Top 7 cường quốc đóng tàu toàn cầu, trở thành 'thế lực không thể xem thường': Vươn tới ngôi vị quán quân ĐNÁ - Ảnh 4.

Tàu chở quân (đổ bộ/hậu cần) Roro 5612-YN 541048 do Việt Nam đóng mới cho Venezuela. Ảnh: Báo chính phủ

Năm 2020, hàng chục tàu tuần tra cao cấp của Việt Nam đã xuất ngoại sang tận châu Phi. Đó là chưa kể tới các đơn hàng trước đó đóng tàu đổ bộ và tàu tuần tra cho đối tác Venezuela. Tạp chí Diplomat nhận định, những bước phát triển này làm nổi bật tham vọng vươn ra toàn cầu của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Tại Đông Nam Á, theo Research and Markets, ngành công nghiệp đóng tàu của Philippines và Việt Nam được đánh giá là phát triển nhất, trong khi năng lực đóng tàu của Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar tương đối yếu, do trọng tải tàu đóng tại các nước này khá nhỏ.

Trong bảng xếp hạng của Insider Monkey, có thể thấy Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đang lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu trên thế giới, chiếm lĩnh vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Liên quan tới khía cạnh này, bản "Báo cáo về ngành công nghiệp đóng tàu tại các thị trường châu Á mới nổi" của công ty dịch vụ kỹ thuật hàng hải Inserve (trụ sở tại London, Anh) cho rằng, các nhà máy đóng tàu tại Philippines đã phát triển mạnh thông qua các công ty liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài như Tsuneishi, Keppel và FBM.

Những công ty liên doanh này đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đồng thời mang tới chất lượng giám sát, quản lý tốt hơn và tiêu chuẩn cao hơn.

Nếu không có sự chuyển giao công nghệ từ những quốc gia/khu vực đã có nền công nghiệp đóng tàu bền vững như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, và không có sự đầu tư mạnh vào trang thiết bị, công nghệ tự động hóa thì kết quả của Philippines có thể không được như vậy.

Trong khi đó, đánh giá về Việt Nam, Inserve cho rằng, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam dự kiến có thể vươn lên vị trí thứ 5, thậm chí thứ 4 trong bảng xếp hạng toàn cầu , chỉ sau 3 "ông lớn" là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo Inserve, Việt Nam đã có hướng phát triển riêng biệt so với các quốc gia mới nổi trong khu vực. Sự tham gia của các công ty liên doanh và các chính sách đầu tư, quan tâm của Nhà nước đã thúc đẩy ngành đóng tàu của Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa.

Theo Vy Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên