Việt Nam luôn phản ứng chính sách nhanh trong khủng hoảng
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Động về phục hồi và tăng trưởng kinh tế
- 08-10-2022Tỉnh nhỏ có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, nhiều chỉ tiêu kinh tế top đầu
- 08-10-2022Giá cả ở 5 địa phương đắt đỏ nhất cả nước tăng giảm ra sao trong 9 tháng đầu năm?
- 08-10-2022Việt Nam trở thành “vùng an toàn kinh tế” trong các nền kinh tế mới nổi
- Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về quá trình phục hồi của kinh tế trên thế thế giới và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương? Theo ông những yếu tố nào ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới và khu vực?
+ Ông Nguyễn Minh Cường: Với độ phủ vắc-xin tăng lên, kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi cho dù không đồng đều. Theo báo cáo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố tháng 9-2021, tăng trưởng bình quân của các nước đang phát triển ở Châu Á dự báo giảm xuống và ở mức 4,3% trong năm 2022. Dự báo tăng trưởng cho năm tới đã được hạ từ 5,3% xuống 4,9%, trong khi dự báo lạm phát của khu vực đã được nâng lên. Nếu trừ Trung Quốc ra thì phần còn lại của khu vực châu Á đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong cả năm 2022 và 2023.
Chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư trong nước đang dẫn dắt sự tăng trưởng khi các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục nới lỏng các hạn chế do dịch bệnh, một phần nhờ vào vận động tiêm chủng và giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, chiến sự tại Ukraina vẫn tiếp diễn đã làm gia tăng bất ổn toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung, cũng như làm đảo lộn thị trường năng lượng và thực phẩm. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn đang làm suy giảm nhu cầu toàn cầu và gây xáo trộn thị trường tài chính. Trong khi đó, các đợt bùng phát COVID-19 lẻ tẻ và các đợt phong tỏa mới đã làm cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất trong khu vực - tăng trưởng chậm lại.
Nợ công có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp. Dịch bệnh kéo dài trong gần 3 năm đã khiến những tác động ngắn hạn có nguy cơ chuyển thành các thách thức sâu hơn về cơ cấu, đặc biệt với các nước đang phát triển. Tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng nghèo đói gia tăng và sự xáo trộn của thị trường lao động sẽ tiếp tục là những thách thức trong những năm tới.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam - Ảnh: ADB
- Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn trước mắt (ngắn hạn 2022-2023) và trung hạn? TP HCM nói riêng cần phải làm gì để tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của cả nước?
+ Trong năm 2020, Việt Nam đã rất thành công trong ứng phó với dịch bệnh. Các chính sách ứng phó về tài khóa và tiền tệ được đưa ra nhanh chóng. Tuy nhiên, làn sóng dịch mới đầu năm 2021 đã có những tác động nặng nề đến cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế. Việt Nam đã nhanh chóng thông qua gói hỗ trợ bổ sung vào tháng 12-2021, với tổng kinh phí tương đương 15 tỉ đô la.
Trước mắt, Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nỗ lực phòng chống dịch, đặc biệt khi tổng số các ca mới vẫn ở mức cao, cho dù tỉ lệ ca nặng và tử vong giảm đáng kể do sự thành công trong tiêm chủng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần duy trì và tăng cường đội ngũ nhân viên y tế với các chính sách đãi ngộ ưu tiên, vì theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới, đây là mắt xích quan trọng nhất trong phòng chống dịch bệnh.
Trong giai đoạn 2022-2023, quan trọng nhất là Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các hỗ trợ tài khóa và tiền tệ trong chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua tháng 1-2022. Những bài học trong việc thực hiện các gói hỗ trợ trước đây sẽ rất hữu ích cho Việt Nam để thúc đẩy việc thực hiện các hỗ trợ mới. Sự chậm trễ trong việc thực hiện sẽ khiến Việt Nam không những đánh mất cơ hội trong phục hồi kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp và người dân.
TP HCM là đầu tàu quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam với đóng góp khoảng 23% GDP và 27% thu ngân sách. Bất chấp những tác động nặng nề của đại dịch, nền tảng tăng trưởng kinh tế của TP HCM vẫn được bảo toàn. TP HCM đã kiểm soát tốt được dịch bệnh với tốc độ tiêm chủng nhanh. Trước mắt, các ưu tiên quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục lại thị trường lao động, và thúc đẩy thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TP HCM cần ưu tiên phát triển các cơ sở hạ tầng liên vùng để tăng cường kết nối các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, và Đông Nam bộ sẽ giúp kích thích nền kinh tế trong thời gian trước mắt, đồng thời tạo điều kiện tăng trưởng trong trung và dài hạn. ADB sẵn sàng hỗ trợ TP HCM phát triển các cơ sở hạ tầng liên vùng như vành đai 3, quốc lộ kết nối Mộc Bài – TP HCM trong khuôn khổ hành lang kinh tế phía nam trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS Program).
Là một trong những thành phố chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và ô nhiễm, TP HCM cũng nên cân nhắc thúc đẩy nhanh các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay ADB đang có 2 dự án hỗ trợ TP HCM cải thiện môi trưởng đô thị và cải thiện tình trạng ngập úng, đó là dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1), và dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2).
Việc phục hồi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. TP HCM cần tăng cường tiếp cận các nguồn vốn quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh. ADB và các đối tác phát triển khác có thể hỗ trợ TP HCM trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ tăng trưởng xanh.
- Các cuộc khủng hoảng tài chính 1997 và 2008 đã cho thấy, kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ khi bị tác động bởi các ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu. Theo ông, Việt Nam cần rút ra những kinh nghiệm gì để các giải pháp, gói hỗ trợ đạt hiệu quả cao trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua?
Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn có các phản ứng chính sách nhanh trong khủng hoảng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lại chậm, vì thế làm giảm hiệu quả của các chính sách đúng đắn này. Chậm trễ trong việc thực hiện gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua cũng sẽ thu hẹp dư địa thời gian của Việt Nam khi có sự lệch pha về chính sách tiền tệ và tài khóa với các nước để ứng phó với lạm phát đang có chiều hướng gia tăng.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách có hiệu quả, trước hết cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và rườm rà với các doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận các hỗ trợ của chính phủ. E ngại trách nhiệm hay quá cầu toàn khi ra quyết định cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình thực hiện. Thông tin công khai, minh bạch, ngắn gọn, đơn giản, và dễ hiểu sẽ tạo điểu kiện rất nhiều cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ. Phối hợp chính sách giữa Trung ương và địa phương cần dựa trên nguyên tắc nhất quán, an toàn nhưng không làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, và dịch vụ.
- Trong năm vừa qua, Việt Nam đã có bước chuyển chiến lược từ "Zero Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo ông, nếu áp dụng chiến dịch chống dịch hà khắc, lâu dài sẽ dẫn đến kết quả như thế nào?
+ Phản ứng nhanh trên cơ sở linh hoạt, và tùy thuộc vào thực tế để chuyển hướng là nguyên tắc của hầu hết các nước trong ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh chưa có vắc-xin, thì chính sách zero Covid-19 là thích hợp. Nhưng khi vắc-xin được sản xuất và tiêm chúng đạt độ phủ cao, việc chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt là phù hợp.
Những biện pháp chống dịch cực đoan như trước đây sẽ không phù hợp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đóng chặt quá sẽ làm đắt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây thiệt hại nền kinh tế và ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng nếu mở cửa trở lại tùy tiện cũng sẽ có tác động bất lợi không nhỏ, đặc biệt khi xu hướng dịch bệnh vẫn rất bất định, và các ca mới vẫn chưa giảm sâu.
Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã được phần nào kiểm soát, nhưng chưa chấm dứt. Sẽ còn chặng đường dài để đại dịch chuyển sang thành một dịch cúm mùa thông thường. Do vậy, Việt Nam vẫn cần có sự linh hoạt nhất định trong các chính sách để trong trường hợp cần thiết thì vẫn có thể điều chỉnh kịp thời.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Phục hồi nhanh hơn dự kiến
Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) Cập nhật 2022 công bố cuối tháng 9 vừa qua nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, phát biểu: "Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ."
Người Lao Động