Việt Nam mới chỉ có trên 200 công trình xanh
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các bon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh, phát thải các bon thấp...
Mới đây, thực hiện đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 cũng như hưởng ứng tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 và được Bộ Xây dựng bảo trợ, Eurowindow đã tổ chức Hội thảo: “Hiện thực hóa phát triển công trình xanh hướng tới kiến trúc bền vững”.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, lãnh đạo các Cục/Vụ/Viện Bộ Xây dựng, Hiệp hội, Trung tâm nghiên cứu, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, đại diện tổ chức quốc tế chứng nhận CTX IFC...
Phát biểu tại buổi hội thảo trên, các chuyên gia cho biết cả nước mới chỉ có trên 200 công trình xanh với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động.
Đưa ra nguyên nhân số lượng các công trình xanh hạn chế, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đã chỉ ra những bất cập trong quá trình phát triển công trình xanh thời gian qua, như chưa có các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan thẩm quyền như trình tự, thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm về VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có quy định bắt buộc đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh. Ngoài ra còn thiếu những ưu đãi cụ thể về tài chính cho các dự án sản xuất sản phẩm, VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khó tiếp cận.
Bổ sung ý kiến của ông Bắc, các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì cho rằng chi phí xây dựng ban đầu lớn, cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường. Tuy nhiên, xét về lâu dài các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ.
"Việc chọn nguyên vật liệu đầu vào là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo ra các sản phẩm VLXD xanh. Bên cạnh việc ứng dụng các vật liệu có thể tái chế, vật liệu xanh tiết kiệm năng lượng cũng cần ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm" ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Eurowindow nêu quan điểm.
Bàn về chiến lược cho vật liệu xanh, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các bon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh, phát thải các bon thấp... Ngành xây dựng cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải các bon thấp.
Đồng thời, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành nhà chung cư, đến năm 2030 giảm ít nhất 25% lượng thải khí nhà kính so với năm 2020; 100 công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Song song với đó, ngành xây dựng cũng đề cao việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh , phát thải các bon thấp. Cụ thể là sẽ hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải các bon thấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng như xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng… và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng, công nghiệp. Đến năm 2030, mục tiêu 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.
"Trong giai đoạn này, ngành xây dựng sẽ phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng , công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, ít nhất là 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các bon thấp", Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho hay.
Có thể nói, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm cần hướng đến của Việt Nam, bởi tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng những năm qua đã đạt 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cũng lên đến 40,5%.
Nhịp Sống Thị Trường