MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định, nhu cầu năng lượng trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng khoảng 4%/năm đến năm 2040. Nếu tính cả nhu cầu đầu tư khác cho năng lượng sơ cấp như than, dầu khí, khí hoá lỏng... thì nhu cầu đầu tư cho năng lượng của các quốc gia trong khu vực sẽ là một con số 'khủng khiếp' hơn.

Đô thị hoá sẽ thay đổi phong cách sống, tiêu chuẩn sống của người dân

Tại diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng tổ chức ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đã đặt ra một vấn đề lớn: Tại sao cần phải quan tâm đến đô thị hoá? 

Hiện nay, Việt Nam có 833 đô thị, trong đó bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, phần còn lại là đô thị loại III và loại IV. Tỷ lệ đô thị hoá trong khoảng 38-40%. Theo chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá sẽ được nâng lên đến 50-52% vào năm 2030.

Đến nay thế giới đã có hơn 270 thành phố trên 1 triệu dân và 50 thành phố trên 5 triệu dân. Tốc độ tăng trưởng vẫn đang tiếp diễn. Do vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, đô thị hoá là một quá trình quan trọng trong phát triển, hầu hết các nền kinh tế đều phải trải qua quá trình đô thị hoá.

"Khi đã trở thành quá trình tất yếu, thì cũng kèm theo quá trình thay đổi toàn bộ cơ cấu nền kinh tế của các quốc gia và thay đổi phong cách sống, tiêu chuẩn sống của người dân các nước", Thứ trưởng An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Theo đó, ông An đặt ra câu hỏi là làm thế nào các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tiến hành đô thị hoá một cách thành công, hướng tới tiêu chuẩn sống cao hơn cho người dân, nhưng không mắc phải những sai lầm của các quốc gia khác?

Những khó khăn trong quá trình đô thị hoá bao gồm: tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm không khí, vấn đề về xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng xã hội, các khu nhà ổ chuột... Đây là những vấn đề mà mỗi quốc gia đều phải đối mặt và giải quyết.

Ngoài việc kiểm soát cung cầu tốt, cần phải sử dụng năng lượng thông minh

Liên quan đến ngành năng lượng, ông Đặng Hoàng An cho biết cần phải quan tâm đến việc cung cấp đủ năng lượng cho các đô thị trong quá trình thực hiện. Nhu cầu sử dụng năng lượng tại các đô thị lớn hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Tại Việt Nam, chỉ riêng 2 thành phố: Hà Nội và TP. HCM đã chiếm khoảng 20-22% tổng sản lượng điện của cả nước.

"Mặc dù dân số ít, nhưng nhu cầu năng lượng của các khu đô thị lại tăng cao. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong các khu đô thị. Bên cạnh đó, ngoài việc tiết kiệm, kiểm soát cung cầu tốt, cần phải sử dụng năng lượng một cách thông minh".

Về vấn đề này, Thứ trưởng An nêu rõ, chỉ có duy nhất ngành điện đã được áp dụng chương trình điện lưới thông minh từ lâu. Song, đối với các ngành khác, vẫn cần xem xét vấn đề tiết kiệm hiệu quả nguồn năng lượng. "Việc giảm cường độ sử dụng năng lượng của một nền kinh tế là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển bền vững thì cần tiếp tục đặt ra không gian để tiết kiệm năng lượng, đồng thời sử dụng năng lượng một cách hiệu quả".

Nhu cầu sử dụng năng lượng khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là rất cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, nhiều quốc gia ASEAN hiện vẫn đang xuất khẩu một số loại hình năng lượng sơ cấp, điển hình như than đá. Trong thời gian ngắn, ASEAN được dự báo là sẽ trở thành khu vực nhập khẩu ròng về năng lượng sơ cấp.

Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2025, dự kiến ASEAN sẽ nhập khẩu ròng về khí thiên nhiên. Đến 2040, nhu cầu năng lượng trong khu vực vẫn tiếp tục tăng khoảng 4%/năm. Đồng thời, dự báo ASEAN sẽ trở thành khu vực nhập khẩu ròng về than đá.

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam cũng đã nhập khẩu rất nhiều năng lượng sơ cấp. Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ ra, ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành 3 khu vực chính quyết định và làm thay đổi thị trường năng lượng toàn cầu trong một thời gian rất ngắn. 

Ước tính từ nay đến năm 2040, nguồn năng lượng sơ cấp tính riêng trong ASEAN sẽ tăng thêm 420 triệu tấn dầu quy đổi. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tăng 720 triệu tấn dầu quy đổi và Ấn Độ tăng khoảng 1 tỷ tấn dầu quy đổi.  Ngược lại, Nhật Bản và châu Âu hiện đang trên con đường giảm nhập khẩu nguồn năng lượng này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đề cập, nhu cầu đô thị hoá làm tăng số lượng nhu cầu điều hoà. Hiện nay, 15% số hộ dân khu vực ASEAN lắp điều hoà, và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc tăng nhu cầu năng lượng khu vực.

"Ước tính từ nay đến năm 2040, toàn bộ khu vực ASEAN sẽ đầu tư khoảng 1.250 tỷ USD vào ngành điện, trong đó: 54% lưới điện và 46% cho nguồn điện. Nếu tính cả nhu cầu đầu tư khác cho năng lượng sơ cấp như than, dầu khí, khí hoá lỏng... thì nhu cầu đầu tư cho năng lượng của các quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ là một con số 'khủng khiếp' hơn", Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá.

Cuối cùng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An kết luận, đáp ứng nhu cầu về năng lượng vẫn là yếu tố "sống còn" trong công cuộc hiện đại hoá các nền kinh tế. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới và trong khu vực cần sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên