Việt Nam ngày càng “khát năng lượng”
Hiện tại, Việt Nam có tổng dân số hơn 93 triệu người và nền kinh tế trị giá hơn 200 tỷ USD, áp lực điện để phát triển kinh tế và điện tiêu dùng đều rất lớn.
- 12-03-2019Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Đang có 'làn sóng' đầu tư vào năng lượng tái tạo
- 10-03-2019Thạch tín, thuỷ ngân, chì... trong than đá và bài toán của Việt Nam với năng lượng
- 05-03-2019Quảng Trị đón 'làn sóng' đầu tư vào lĩnh vực năng lượng
Theo báo cáo "Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế thế giới sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?" của PricewaterhouseCoopers (PwC), đến năm 2050, GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 20 của thế giới, lên đến 3.176 tỉ USD (tính theo ngang giá sức mua).
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng với tốc độ 10% trong mỗi năm. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, dân số Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng thêm 1% mỗi năm, tương đương gần 1 triệu người. Nền kinh tế càng tăng trưởng cao thì càng cần nhiều năng lượng để cung cấp cho phát triển.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đề cập trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á 2017: để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng này, cầu về dầu và than dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.
Sự phụ thuộc vào dầu và than ngày càng tăng đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. IEA đã nhận định rằng: trong tương lai, nếu Việt Nam và các quốc gia ASEAN bắt đầu định hướng nhập khẩu năng lượng thay vì tự sản xuất, điều này có thể mang lại rắc rối lớn đối với an ninh năng lượng.
IEA định nghĩa: an ninh năng lượng là khả năng sở hữu một nguồn năng lượng ổn định với giá cả phải chăng. Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, cầu về dầu ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng từ 4,7 triệu thùng lên khoảng 6,6 triệu thùng mỗi ngày. Đông Nam Á từng được biết đến với các mỏ dầu phong phú, tuy nhiên nguồn tài nguyên này hiện đang cạn kiệt nhanh chóng.
Việt Nam từng là một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn trong khu vực. Nhưng hiện tại, bản thân Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc theo kịp tốc độ tăng trưởng của nhu cầu dầu trong nước, và đã trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu, thay vì xuất khẩu. Theo dự đoán, nhập khẩu dầu thô trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040.
Đáp ứng nhu cầu năng lượng bằng cách nhập khẩu có thể gây căng thẳng cho chi tiêu chính phủ và cán cân thương mại. Với việc nhập khẩu dầu ngày càng tăng, Đông Nam Á dự kiến sẽ thâm hụt ròng trong thương mại năng lượng hơn 300 tỷ USD vào năm 2040. Gánh nặng sẽ còn ảnh hưởng xấu hơn đối với các quốc gia sử dụng trợ cấp dầu như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Tiếp tục làm như vậy trong suốt thập kỷ tới là một lựa chọn kém bền vững.
Do đó, các chính phủ này cần cải cách một số chính sách của họ để đảm bảo an ninh năng lượng ở các quốc gia. Một trong những cách để đảm bảo an ninh năng lượng, là dựa vào các nguồn năng lượng bền vững với giá cả phải chăng hơn. Giá dầu được biết là không thể đoán trước và dễ bị các lực lượng thị trường. Mặt khác, năng lượng tái tạo có thể cung cấp năng lượng sạch với giá cả ổn định.
IEA tuyên bố rằng sự kết nối của các hệ thống năng lượng trong khu vực sẽ tăng cường an ninh năng lượng. ASEAN vẫn còn một chặng đường dài để hiện thực hóa mục tiêu của mình về Mạng lưới điện ASEAN và cần phải phát triển nhanh chóng. Mạng lưới điện ASEAN được lên ý tưởng lần đầu tiên vào năm 1997 nhưng không có nhiều tiến bộ đã được thực hiện kể từ đó. Kết nối năng lượng xuyên biên giới có lợi cho tất cả mọi người và sẽ ít tốn kém hơn để phát triển nếu tất cả các nước ASEAN tham gia.
Trong khi nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng, các quốc gia ASEAN không cần phải dựa vào các nguồn năng lượng truyền thống như dầu để cung cấp nhiên liệu. Các chính phủ trong khu vực cần sử dụng các nguồn năng lượng thay thế và hợp tác để duy trì an ninh năng lượng không chỉ cho các quốc gia của họ, mà còn cho cả ASEAN.