MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ là hợp với xu thế lịch sử

28-11-2023 - 07:12 AM | Tài chính quốc tế

Việt Nam và Nhật Bản chính thức nâng tầm quan hệ hai nước thành “Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Đây là sự kiện cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa khi đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nhật Bản đã phỏng vấn ông Asano Katsuhito, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản về sự kiện đặc biệt này.

Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ là hợp với xu thế lịch sử - Ảnh 1.

Ông Asano Katsuhito, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

PV: Thưa ông, chỉ cách đây ít giờ, Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới . Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

Ông Asano Katsuhito: Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp nhất cho quan hệ hai nước. Quan hệ hai nước được hình thành từ xa xưa, có nhiều dấu ấn lịch sử tốt đẹp. Tôi được biết rằng Việt Nam cũng vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ, do dó, việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản là điều hiển nhiên, phù hợp với điều kiện lịch sử quan hệ, ứng với lợi ích của cả hai bên. Việt Nam đang phát triển trên nhiều phương diện, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Nhật Bản đang thực hiện chính sách ưu tiên phát triển đối với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Nhật Bản có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Trong nhiều năm nay, lãnh đạo hai nước thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau. Nhật Bản trong các diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị G20… đều mời Việt Nam tham dự các Hội nghị mở rộng với tư cách là nước chủ nhà. Điều này sẽ đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước và hòa bình, ổn định của khu vực.

PV: Khi đã là đối tác chiến lược, hai bên sẽ phải ứng xử như thế nào để có những thành quả hợp tác thực chất?

Ông Asano Katsuhito: Nhật Bản có những chính sách riêng đối với những đối tác chiến lược như Việt Nam. Trong nhiều giai đoạn, Nhật Bản đã có những ưu tiên về nguồn vốn ODA, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng…đối với Việt Nam. Trong các dự án hỗ trợ khác mang tầm qui mô đối với khu vực đều có tên Việt Nam. Ngoài ra, ở phương diện giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân Nhật Bản cũng coi trọng việc tăng cường.

Các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có mặt ở Việt Nam từ vài chục năm nay, hiện đang mở rộng hoạt động. Theo đó, sắp tới, Nhật Bản cần phải mở rộng, tăng cường hơn những lĩnh vực hợp tác đã có truyền thống, nhanh chóng giúp Việt Nam chuyển đổi số, hay chuyển giao công nghệ ở một số lĩnh vực.

Riêng Việt Nam, là một đất nước năng động, nguồn lực dồi dào cần phải hoàn thiện những chính sách chặt chẽ hơn, mang tính quốc tế hơn để phù hợp với lộ trình phát triển của thế giới và Nhật Bản. Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó, Việt Nam cũng sẽ phát triển như Nhật Bản.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, các nước đều gặp phải những khó khăn nhất định trong lộ trình phát triển của mình. Vậy hai nước cần chia sẻ những gì cho nhau để cùng phát triển, thưa ông?

Ông Asano Katsuhito: Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực để phát triển. Việt Nam nhiều năm nay đã cung cấp cho chúng tôi nguồn lao động trẻ và có cả nguồn nhân lực cao. Ví dụ, như tôi được biết thì công ty phần mềm FPT của Việt Nam đang hoạt động có tới hàng trăm người đang làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan của Nhật Bản. Chúng tôi biết ơn vì điều đó. Tuy đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản còn khiêm tốn, nhưng khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản ngày càng đông. Chính các bạn cũng đang đóng góp vào sự phát triển của chúng tôi.

Ngược lại, Nhật Bản trở thành quốc gia giàu có sớm hơn Việt Nam, nên cũng có trách nhiệm chia sẻ. Không chỉ đối với Việt Nam mà các quốc gia khác Nhật Bản cũng phải chia sẻ, bởi hiện tại, sự phát triển của một quốc gia nào đó phải gắn với sự phát triển chung của các quốc gia khác.

Theo Bùi Hùng-Vũ Dũng/VOV-Tokyo

VOV

Trở lên trên