MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam nhiều tiềm năng trở thành trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương về điện gió ngoài khơi

Việt Nam nhiều tiềm năng trở thành trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương về điện gió ngoài khơi

Việt Nam có thể tạo ra chuỗi cung ứng, lực lượng lao động hỗ trợ các nước khác, thậm chí xuất khẩu năng lượng nhờ nguồn tài nguyên gió dồi dào, vùng nước nông dọc bờ biển dài.

Tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam, Ngài Nicolai Prytz cho biết, trong thời gian tới sẽ nỗ lực hết sức để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhất là năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, kinh tế biển và sẽ phối hợp với phía Việt Nam mở rộng cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ.

Đại sứ Nicolai Prytz nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của hai nước về phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, là cơ sở để thúc đẩy việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược xanh nhằm tạo khuôn khổ và định hướng mới trong hợp tác song phương trong tương lai; đồng thời, cho biết các tập đoàn lớn của Đan Mạch đang rất quan tâm và sẵn sàng tham gia vào các dự án điện gió lớn tại Việt Nam. Qua đó, Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, giúp Việt Nam có thể trở thành trung tâm cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi toàn khu vực. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết các tập đoàn lớn của Đan Mạch đang rất quan tâm và sẵn sàng tham gia vào các dự án điện gió lớn tại Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ đánh giá về tiềm năng và thách thức của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Stuart Livesey: Tiềm năng ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chính là những cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch với chi phí cao, sang sử dụng năng lượng tái tạo, dựa trên nguồn gió ngoài khơi có chất lượng tốt, đặc biệt là ở phía nam Việt Nam. Ở đây có đáy biển tương đối nông cùng đáy biển có cấu trúc vững chắc để hỗ trợ việc xây dựng, lực lượng lao động có thể được nâng cao trình độ và cơ sở hạ tầng cảng có thể nâng cấp để sử dụng cho ngành điện gió ngoài khơi và kích thích chuỗi cung ứng.

Những thách thức hiện tại mà ngành điện gió ngoài khơi đang gặp phải gồm việc chia sẻ thông tin để chính phủ và chính quyền địa phương hiểu được về sự khác biệt giữa điện gió ngoài khơi với điện gió trên bờ và điện mặt trời do cần nguồn vốn khổng lồ và đòi hỏi sự phức tạp về kỹ thuật của ngành công nghiệp này để xây dựng một hệ thống sản xuất điện ngoài biển và truyền tải điện vào bờ. Với các dự án cơ sở hạ tầng lớn và quan trọng như vậy, sẽ cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương để chính phủ và các bộ ban ngành đưa ra các cơ chế, chính sách và quyết định phù hợp và kịp thời để phát triển ngành ngày.

Một phần quan trọng nữa, bên cạnh khung pháp lý phù hợp cho điện gió ngoài khơi, việc đảm bảo thỏa thuận mua bán điện có thể được thiết lập để vận hành và quản lý đối với các nhà đầu tư dài hạn và chi phí đầu tư cao như vậy. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề trên thì sẽ tạo ra một rào cản lớn đối với đầu tư quốc tế.

Việt Nam nhiều tiềm năng trở thành trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương về điện gió ngoài khơi - Ảnh 1.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) cho rằng, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là những điểm sáng, có điểm tương đồng về lĩnh vực này để Việt Nam học hỏi.

Theo ông, khu vực nào của Việt Nam sẽ là "điểm sáng" để phát triển điện gió nhất?

Ông Stuart Livesey: Các khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất ở Việt Nam, tuy nhiên khi xét về "điểm sáng" và "điểm tốt nhất", sẽ có rất nhiều khía cạnh cần được đưa ra như nhu cầu năng lượng, khoảng cách đến lưới điện, cơ sở hạ tầng và truyền tải lưới điện hiện có/theo kế hoạch, độ sâu của nước, cơ sở cảng, các hạn chế về môi trường... Những khía cạnh này là lý do tại sao ngành điện gió ngoài khơi luôn rất cần chú trọng vào việc thu thập nhiều thông tin tại các vị trí trọng điểm của dự án, tuy nhiên các giấy phép khảo sát ngoài khơi hiện vẫn đang chưa được phê duyệt.

Ông đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của Việt Nam về lĩnh vực này so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á?

Ông Stuart Livesey: Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương về cả sản xuất và sử dụng tài nguyên gió ngoài khơi, đồng thời tạo ra một chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có thể hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực, và thậm chí xuất khẩu năng lượng được tạo ra nhờ nguồn tài nguyên gió dồi dào và vùng nước tương đối nông dọc theo bờ biển dài của Việt Nam. Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn cho nên nếu có ý định bắt đầu hành trình điện gió ngoài khơi tại quốc gia này thì đây sẽ là một dự án cực kỳ có lợi cả về tài chính cho đất nước cũng như về an ninh năng lượng và đa dạng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu (đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch).

Theo ông, quốc gia nào có điểm tương đồng về lĩnh vực này để Việt Nam học hỏi? Và cụ thể là những điểm nào?

Ông Stuart Livesey: Một quốc gia châu Á đang phát triển điện gió ngoài khơi là Hàn Quốc. Nhưng lộ trình phát triển ngành này tại đây còn ở giai đoạn sơ khai, từ việc khảo sát cho tới làm việc với chính phủ về các quy định và chính sách. Và cũng gần giống với Việt Nam. Vì vậy, tôi vẫn đánh giá Việt Nam sẽ là nơi có tiềm năng trở thành trung tâm của Đông Nam Á trong ngành này.

Vì sao CIP lại chọn Việt Nam để đầu tư dự án điện gió La Gàn (chiến lược sắp tới), cụ thể là ở Bình Thuận?

Ông Stuart Livesey: Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là dự án có công suất 3,5GW đang được phát triển tại tỉnh Bình Thuận, khi hoàn thành sẽ có thể tạo ra đủ điện cho khoảng 7 triệu hộ gia đình Việt Nam và tăng thêm nhiều việc làm. Tổng chi phí của dự án sẽ vào khoảng 10,5 tỷ USD và hơn 4 tỷ USD sẽ được đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam.

Là một trong những dự án điện gió ngoài khơi được phát triển sớm nhất tại Việt Nam, dự án đã nằm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, đã nhận được thư chấp thuận của tỉnh, đồng thời cũng đã nộp giấy phép khảo sát ngoài khơi, đã nhận được tất cả các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ và hiện đang chờ Bộ TN&MT phê duyệt.

CIP có thể nhìn thấy tiềm năng to lớn mà Việt Nam đang có về tài nguyên gió, nhu cầu năng lượng cũng như chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có năng lực và có thể chuyển giao, những điều này đã khiến Việt Nam trở thành một quốc gia lý tưởng để cung cấp điện gió ngoài khơi cho nhu cầu sản xuất năng lượng của chính quốc gia và có tiềm năng trong tương lai để xuất khẩu sang các nước láng giềng. Bình Thuận là một khu vực thuận lợi để tận dụng các doanh nghiệp địa phương, cảng biển có sẵn tham gia vào ngành này và đây cũng là một tỉnh cởi mở, sẵn sàng đón nhận và khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi vì họ hiểu rõ những lợi ích mà nó có thể mang lại. CIP và COP đã làm việc với tỉnh Bình Thuận trong suốt một thời gian và mong muốn tiếp tục nâng cao mối quan hệ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi và đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh.

CIP hiện đang chờ phê duyệt Quy hoạch điện VIII và giấy phép khảo sát cũng như sẵn sàng thực hiện các cuộc khảo sát ngoài khơi để thu thập thêm dữ liệu để lên kế hoạch thiết kế dự án chi tiết và làm việc với các nhà cung ứng để triển khai dự án một cách tốt nhất…

Theo PV

VTV News

Trở lên trên