Việt Nam, những ngày kiểm định sức đề kháng chính sách tiền tệ
Nhiều tác động đang hội tụ để kiểm định sức đề kháng của chính sách tiền tệ Việt Nam...
- 03-10-2018Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế
- 18-07-2018Không để bị động, bất ngờ trong điều hành chính sách tiền tệ
- 18-07-2018Chính sách tiền tệ cần có sự “chia lửa”
Một tuần sau sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, tại thị trường Việt Nam, lãi suất, tỷ giá, giá vàng, thị trường chứng khoán gần như không có biến động nào lớn.
Một số chuyên gia nhìn nhận, một phần của sự kiện trên đã được thị trường phản ánh, thị trường chủ động hấp thụ nên đã hạn chế xáo trộn. Nhưng đó không hẳn là phản ánh một cách tự nhiên.
Khớp nhịp điều hành
Biến động đáng chú ý chủ yếu trên thị trường liên ngân hàng, cùng hoạt động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Một ngày sau quyết định tăng lãi suất của FED, lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (phát hành để hút bớt tiền về) tăng thêm, từ 2,5%/năm lên 2,75%/năm ở kỳ hạn 7 ngày.
Đặt trong chuỗi diễn biến từ tháng 7/2018 đến nay, thay đổi trên không có gì bất ngờ. Hai tháng trước đó, các tổ chức tín dụng đã quen với tín hiệu nhà điều hành nâng lãi suất này lên, cũng như tăng quy mô chào thầu tín phiếu tại một số thời điểm.
Một mặt, nó phản ánh lượng tiền trong hệ thống vẫn đang dôi dư, phản ánh ở số dư lưu hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước còn khá lớn, trong khoảng 60.000 - 80.000 tỷ đồng tùy thời điểm gần đây.
Mặt khác, mặc dù có những phiên tăng lượng chào thầu, nhưng lượng tiền hấp thụ qua tín phiếu hạn chế, do lãi suất không còn hấp dẫn và việc nâng lên có thể xem như bắt nhịp với thị trường.
Lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước tăng lên là thay đổi nổi bật, đặt trong bối cảnh FED đã ba lần nâng lãi suất năm nay. Trên thế giới và trong khu vực, hàng chục ngân hàng trung ương cũng đã và vừa lần lượt tăng lãi suất điều hành. Còn Việt Nam, chủ yếu chỉ thể hiện ở thay đổi trên, các lãi suất điều hành chủ chốt vẫn ổn định.
Thay đổi chủ yếu chỉ ở lãi suất tín phiếu, nhưng phạm vi tác động có phổ rộng.
Sau ba tuần giảm mạnh liên tiếp, lãi suất VND trên liên ngân hàng cũng bắt nhịp lãi suất tín phiếu tăng khá mạnh trở lại. Nhịp cân đối này khớp ngay với sự kiện FED tăng lãi suất và nó trực tiếp góp phần giữ ổn định tỷ giá.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, lãi suất VND qua đêm trên liên ngân hàng rơi sâu dưới mốc 2%/năm, tạo chênh lệch bất lợi so với lãi suất USD và tác động nhất định đến tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, qua nhịp điều tiết trên, lãi suất VND trên thị trường này đã nhanh chóng tăng trở lại, đến đầu tuần này qua đêm đã vượt mốc 3%/năm, chênh dương đáng kể so với lãi suất USD.
Sức đề kháng trên nền tốt hơn
Trước thềm sự kiện FED tăng lãi suất lần thứ ba kể từ đầu năm, một chuyên gia trao đổi dự đoán với VnEconomy: "Điều hành chính sách tiền tệ với áp lực đa mục tiêu, vừa hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, thậm chí lúc này người ta vẫn đặt yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất, mà thế giới thì nhiều biến động, liên tục biến động, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước vẫn phải dùng "những miếng võ cổ truyền" thôi".
Đó chủ yếu là bơm - hút tiền điều tiết, cân đối lãi suất. Nó thể hiện như thay đổi ở trên. Nhưng "những miếng võ" giờ đã linh hoạt, uyển chuyển và khớp nhịp với các biến động, nhất là từ bên ngoài.
Bên ngoài, cùng với lộ trình tăng lãi suất liên tiếp của FED, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh kéo dài, giá dầu có những bước tăng phi mã…
Nhưng về cơ bản, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn ổn định; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; lạm phát vẫn được kiểm soát.
Những kết quả này vừa được khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ kết thúc quý 3/2018, cũng như tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia.
Ở góc nhìn từ bên ngoài, cụ thể nhất, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm vừa lần lượt nâng hạng cho Việt Nam, cũng như cho loạt ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Một mặt, điều hành chính sách vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng góp phần tạo ổn định. Mặt khác, xét riêng hệ thống ngân hàng thương mại, các yếu tố nền tảng đã tốt hơn trước rất nhiều - điều mà Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia tuần qua.
Tốt hơn trước như thế nào? Khẳng định này hoàn toàn đo đếm được.
Trước hết, nợ xấu nhận diện tổng thể từ mức 10,8% cuối 2016 hiện đã giảm xuống còn 6,6%; nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm chỉ còn 2,1%.
Đáng chú ý, Thống đốc cho biết, nợ xấu mới phát sinh của hệ thống được kiểm soát chặt chẽ và hạn chế.
Năng lực tài chính của hệ thống cũng đã có bước tiến dài so với giai đoạn 2011 - 2015, thể hiện ở mức độ gia tăng tổng tài sản, quy mô vốn điều lệ và vốn tự có. Năng lực này được nhấn mạnh ở giá trị thực, xác định theo khung khổ pháp lý có những bước tiến và chặt chẽ hơn trước.
Thị trường tiền tệ vẫn ổn định. Nhìn sang nơi có mối liên hệ chặt chẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam ba tháng gần đây và hiện nay có hướng tăng trưởng bền vững hơn, giao dịch trở nên sôi động hơn.
Nhưng, phía trước, lộ trình các lần tăng lãi suất của FED dự kiến vẫn tiếp tục, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng, giá dầu định hình ở mức cao, USD-Index tăng mạnh trở lại, Nhân dân tệ vẫn mất giá mạnh so với đầu năm…
Trong nước, áp lực đối với tỷ giá USD/VND vẫn đều đặn nhận những cảnh báo từ giới chuyên gia, nhất là xuất siêu thời gian qua vẫn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Lạm phát, đến thời điểm này lạm phát cơ bản vẫn kiểm soát ở mức thấp cho thấy không có tác động lớn từ nhân tố tiền tệ, nhưng các đầu mối chuyên trách đều nhấn mạnh đến áp lực trong suốt 2018.
Dù vậy, bối cảnh, các yếu tố tác động và tiềm ẩn tác động nói trên không đồng nghĩa chỉ riêng tiêu cực và biến động bất lợi.
Một thực tế tham khảo, giá vàng trên thế giới và trong nước suốt thời gian qua gần như lặng sóng. "Hàn thử biểu" thường thấy mỗi khi có bất ổn trước đây cho đến nay vẫn chưa từng một lần được kích hoạt thực sự.
Vneocnomy