Việt Nam nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản
Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, chấm dứt các hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp.
- 28-02-2023Tiết lộ số tiền "khủng" công nhân công ty giày da lớn nhất Việt Nam được hỗ trợ sau khi mất việc
- 28-02-2023Chỉ có 1 công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam không muốn nghỉ việc
Chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, xử lý 100% các trường hợp vi phạm; hạn cuối cùng là từ nay đến tháng 5/2023 sẽ không còn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đây là quyết tâm của các cơ quan chức năng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để gỡ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam. Các công việc cụ thể trong đợt cao điểm 180 ngày đang được các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện.
Đảo Thổ Chu - Điểm dừng chân tiếp tế hậu cần và trung chuyển hải sản của các tàu cá đánh bắt trên vùng biển Tây Nam, cũng là địa điểm lực lượng cảnh sát biển thường xuyên tổ chức tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Ngay sau khi lắng nghe nội dung tuyên truyền, anh Huỳnh Thanh Toàn - Chủ tàu CM 91242 - tỉnh Cà Mau lập tức leo lên nóc tàu kiểm tra lại ăng ten của hệ thống GPS, phương tiện kết nối thiết bị định vị của tàu với các cơ quan chức năng. Việc thủy sản Việt Nam bị châu Âu áp thẻ vàng nghiêm trọng đến mức độ nào, có thể anh Toàn chưa hình dung được hết, thế nhưng việc vi phạm vùng biển nước ngoài và bị tịch thu tàu là điều bất cứ chủ tàu nào cũng lo sợ
Anh Huỳnh Thanh Toàn cho biết: "Chiếc tàu này tầm 10 tỷ, nếu sang vùng biển nước ngoài và bị bắt là sẽ mất hết nên chúng tôi phải tuân thủ pháp luật".
Thay vì đánh bắt ngoài khơi xa tại những vùng biển chồng lấn như trước kia, một số chủ tàu như anh Nguyễn Trường Sơn (Chủ tàu CM 92967 - tỉnh Cà Mau) đã thay đổi phương thức đánh bắt sang nghề đánh cá chim. Loại cá này vốn chỉ sống ở các vùng nước tương đối nông quanh các quần đảo như đảo Thổ Chu. Vừa thu được nguồn lợi kinh tế ổn định lại giảm hẳn chi phí nhân công, nhiên liệu và không lo vi phạm chủ quyền của các nước bạn.
Hoạt động xuất khẩu hải sản giảm do bị phạt thẻ vàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác và đánh bắt của các đội tàu, nhất là các đội tàu đánh bắt xa bờ, vì sản phẩm từ hoạt động này chủ yếu là xuất khẩu, trong đó có thị trường EU. Tính đến năm 2021, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 110.950 tàu, cùng với đó là hàng trăm ngàn lao động chính thức và phi chính thức tham gia các hoạt động khai thác, chế biến hải sản. Do đó việc quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được lãnh đạo nhiều địa phương ven biển xác định là nhiệm vụ trọng tâm
Các hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển chính là minh chứng cho hoạt động thực thi yêu sách và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nếu vì hải sản xuất khẩu không được, ngư dân sẽ không vươn khơi đánh bắt nữa, sẽ tác động không tốt tới chiến lược của quốc gia trong vấn đề thực thi chính sách về biển. Chính vì thế, Chính phủ, thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định bởi đây là lợi ích quốc gia, lợi ích người dân và vì hình ảnh đất nước.
VTV