Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 470 triệu USD
Tính đến 31/12/2016, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 947.494 tỷ đồng...
- 29-08-2016Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ hạn mức vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN
- 25-03-2015Nếu tỷ giá nới thêm 1%, nợ nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng
- 09-01-2015Điều chỉnh tỷ giá có ảnh hưởng đến nợ nước ngoài?
Theo báo cáo của Kiểm toản Nhà nước vừa công bố, tính đến 31/12/2016, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 947.494 tỷ đồng, tức khoảng 42.938 triệu USD, tăng so với năm 2015, chiếm 39,8% nợ Chính phủ.
Nợ quá hạn nước ngoài hơn 470 triệu USD
Báo cáo cho hay, tính đến 31/12/2016, dư nợ các khoản Chính phủ cho vay lại đối với các khách hàng, dự án là 315.997 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015 (286.705 tỷ đồng).
Có 60 dự án chuyển nợ quá hạn gồm cả gốc, lãi, phí, tương đương với 10.556 tỷ đồng (hơn 479 triệu USD), chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại.
Trong đó, dự án Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng, gồm nợ từ nguồn trái phiếu quốc tế 6.563 tỷ đồng, nợ từ nguồn vay Chính phủ Ba Lan là 1.617 tỷ đồng.
Số nợ quá hạn của các dự án còn lại là 2.376 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1.769 tỷ đồng, lãi và phí 607 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án được thực hiện trước năm 2010, do sử dụng vốn không hiệu quả, gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ.
Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, có tình trạng dự án không được tính toán kỹ về tiến độ triển khai, dẫn đến dự án được ký hiệp định vay với chính phủ nước ngoài nhưng không thực hiện giải ngân, mà vẫn phải trả khoản phí cam kết cho nhà tài trợ.
Điển hình như dự án metro vay của Chính phủ Đức và được Bộ Tài chính ký hợp đồng cho vay lại với UBND Tp.HCM có tổng vốn theo hiệp định là 137 triệu Euro, hàng năm vẫn phải trả phí cam kết là 342.500 Euro/năm, tổng số phí cam kết phải trả nợ cho dự án đến thời điểm 31/12/2016 27 tỷ đồng. "Trách nhiệm này thuộc về UBND Tp.HCM", Kiểm toán Nhà nước nêu.
Sau kiểm toán nợ công tăng 5.000 tỷ
Liên quan đến nợ công, theo số liệu báo cáo tổng hợp, nợ công năm 2016 là 2.863 nghìn tỷ đồng, nhưng con số nợ công sau kiểm toán lên đến 2.868 tỷ đồng, tăng thêm 5.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân tăng, theo Kiểm toán Nhà nước: nợ Chính phủ (nợ nước ngoài) điều chỉnh chênh 4.966 tỷ đồng do một số dự án chưa kịp thời ghi nhận rút vốn; nợ được Chính phủ bảo lãnh chênh 18,44 tỷ đồng do hạch toán trả nợ quá hạn của dự án Xi măng Hạ Long không đúng tiến độ; nợ chính quyền địa phương chênh 28 tỷ đồng do tỉnh Vĩnh Long báo cáo thiếu khoản vay của Công ty TNHH De Heus. Tổng cộng chênh 5.012 tỷ đồng.
Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều thiếu sót của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Cụ thể, tại Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn và chưa thực hiện các thủ tục ký hợp đồng nhận nợ đối với VEC theo ý kiến của Phó Thủ tướng.
Bộ cũng chưa ký xác nhận biên bản giữa cơ quan cho vay lại (tức Bộ Tài chính) và đơn vị vay lại (VDB). Trừ các khoản trái phiếu quốc tế 38.547 tỷ đồng (chưa đến hạn trả gốc), Bộ chưa đối chiếu thời điểm 31/12/2016 của 1/33 chủ nợ (là Iraq).
Kết quả kiểm toán đối chiếu chọn mẫu 22 dự án/khoản vay nước ngoài và tổng hợp số liệu đối chiếu giữa Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại với các chủ nợ cho thấy, Cục chưa cập nhật kịp thời số liệu rút vốn các năm trước, chưa điều chỉnh số liệu sau khi đối chiếu với chủ nợ, theo dõi và tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ số tiền 4.966 tỷ đồng.
Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước xác định Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn không theo thứ tự ưu tiên.
Về tình hình giải ngân vốn ODA năm 2016, qua kiểm tra chọn mẫu trên một số báo cáo và các tài liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy một số bộ, ngành, địa phương giải ngân vượt so với kế hoạch vốn được giao.
Cụ thể, 64 dự án giải ngân vượt kế hoạch vốn được giao hoặc không được giao kế hoạch vốn nhưng vẫn giải ngân. Tổng số vốn vay đã giải ngân vượt 9.710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều dự án không giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân thấp ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của dự án.
Vneconomy