Việt Nam, nơi đáng sống thứ hai thế giới
Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách những nơi đáng sống nhất trên thế giới đối với người lao động nước ngoài trong năm 2019
Kết quả trên được đưa ra trong báo cáo "Expat Insider 2019" khảo sát 20.259 người làm việc tại nước ngoài đang sống ở 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, diễn ra từ ngày 7 đến 28-3. Những người tham gia khảo sát được yêu cầu chấm điểm 48 yếu tố khác nhau được chia thành 5 vấn đề chính gồm chất lượng cuộc sống, nhà ở, môi trường làm việc, cuộc sống gia đình và tài chính cá nhân. Để được đánh giá xếp hạng, mỗi điểm đến phải đáp ứng điều kiện có ít nhất 75 người nước ngoài sinh sống tại nơi đó tham gia khảo sát. Trong năm 2019, có 64 điểm đến đủ điều kiện được xếp hạng, giảm so với 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm trước.
Kỹ sư Ấn Độ làm việc tại Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Nhận xét về cuộc sống tại Việt Nam, người nước ngoài đặc biệt hài lòng với triển vọng nghề nghiệp của họ, chiếm 68% so với mức trung bình toàn cầu là 55%. Trong khi đó, 74% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với công việc nói chung và Việt Nam được cho là điểm đến tốt nhất đối với tài chính cá nhân. Khoảng 75% người được khảo sát cho rằng thu nhập hộ gia đình của họ nhiều hơn mức cần thiết để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 49%. Tuy nhiên, Việt Nam để vuột mất ngôi vương trong bảng xếp hạng vì thấp điểm về "cuộc sống kỹ thuật số" khi chỉ có 52% người nước ngoài sống tại Việt Nam hài lòng với việc thanh toán mà không dùng tiền mặt, thấp hơn so với tỉ lệ 79% toàn cầu.
Đứng đầu danh sách với điểm số ấn tượng hầu hết mọi yếu tố là Đài Loan. Khoảng 92% người nước ngoài ở Đài Loan cho biết họ hài lòng với chất lượng chăm sóc y tế ở hòn đảo này, so với tỉ lệ 65% trên toàn cầu. Điểm số về sự an toàn cá nhân khá cao với 96% so với 81% trên toàn cầu. Đài Loan được đánh giá đứng thứ 2 về triển vọng nghề nghiệp, đứng thứ 10 về tài chính cá nhân và vị trí thứ 8 về môi trường làm việc đối với người nước ngoài. Trở ngại duy nhất được ghi nhận từ những người nước ngoài sống ở Đài Loan là học ngôn ngữ địa phương với khoảng 52% người cho biết họ gặp khó khăn trong vấn đề này.
Đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là Bồ Đào Nha, cứ 5 người được hỏi thì có 4 người cho biết họ hài lòng về các hoạt động xã hội và giải trí tại nước này trong khi 95% người nước ngoài tại đây đánh giá tích cực về khí hậu. Nằm trong tốp 10 nơi đáng sống nhất dành cho lao động nước ngoài, theo sau Bồ Đào Nha lần lượt là Mexico, Tây Ban Nha, Singapore, Bahrain, Ecuador, Malaysia, CH Czech.
Đáng chú ý, Mỹ tiếp tục đứng ở vị trí 47 trong năm thứ 2 liên tiếp. 1/3 người nước ngoài làm việc ở Mỹ cho rằng mức thu nhập của họ cao hơn nhiều so với chức vụ tương tự ở quê nhà nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em cũng khiến Mỹ bị xếp hạng thấp trong danh sách. Trong khi đó, Anh xếp thứ 62 trong tổng số 64 điểm đến do bất ổn chính trị, khí hậu, chi phí sinh hoạt cao... Một công dân Đức sống tại Anh cho biết: "Vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) khiến cho tương lai của chúng tôi không chắc chắn".
Người lao động