Việt Nam sắp có “siêu cảng” được rót 50.000 tỷ đồng, đứng đầu về vốn đầu tư tư nhân
Dự án bến cảng này dự kiến sẽ sử dụng 50.000 tỷ đồng vốn tư nhân, triển khai trong giai đoạn năm 2021-2030.
- 26-07-2023Việt Nam và Israel ký FTA, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực
- 26-07-2023Chưa đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
- 25-07-2023Việt Nam sở hữu "kho báu" có trữ lượng lớn thứ 2 thế giới, Mỹ và nhiều quốc gia khao khát có được
Ngày 24/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Văn bản quyết định đi kèm 2 phụ lục, gồm Phụ lục I - Danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và Phụ lục II - Danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Với các dự án có sự tham gia của Nhà nước, khoản ngân sách để đầu tư Phần hạ tầng dùng chung của Khu bến cảng Liên Chiểu là 3.426 tỷ đồng, mức lớn nhất được phê duyệt bố trí trong giai đoạn 2021-2025.
Một số dự án khác cũng yêu cầu mức vốn ngân sách lớn trong giai đoạn này gồm đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.225 tỷ đồng) và đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng công ten nơ Cái Mép (1.416 tỷ đồng)…
Trong khi đó, ở giai đoạn 2026-2030, ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ bố trí 8.000 tỷ đồng để triển khai dự án Đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn.
2 dự án khác yêu cầu vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng là Nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét (1.496 tỷ đồng) và Cải tạo, nâng cấp luồng Cửa Lò cho tàu 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải và nâng cấp xây dựng đê chắn sóng phía Bắc cảng Cửa Lò (1.018 tỷ đồng).
Trong danh mục Các dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, dự án bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (giai đoạn khởi động) dự kiến sẽ sử dụng 50.000 tỷ đồng vốn tư nhân, triển khai trong giai đoạn năm 2021-2030.
Dự án Khu bến cảng và Logistics Cái Mép Hạ dự kiến yêu cầu mức đầu tư 23.000 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
Theo lưu ý của văn bản, tiến độ đầu tư theo giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 là dự kiến. Tùy theo tình hình tăng trưởng hàng hóa và năng lực của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các bến cảng.
Theo quyết định, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm: Lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải và dự kiến nhu cầu (kế hoạch) sử dụng đất.
Để thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng, Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung, bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực cho công tác lập quy hoạch từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập quy hoạch để giảm bớt áp lực ngân sách.
Bên cạnh đó là các công tác phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn lực tài chính, bảo đảm quốc phòng – an ninh cũng như đưa ra cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các quy hoạch.
Nhịp sống thị trường