MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sắp có siêu nhà máy nhiệt điện hơn 2,4 tỷ USD, 5 “ông lớn” đua nhau làm chủ đầu tư

Dự án siêu nhà máy hơn 2,4 tỷ USD của Việt Nam được bổ sung trong Quy hoạch Điện VIII và có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Dự án này là Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). 

Cụ thể, dự án có quy mô xây dựng 1 nhà máy điện LNG có công suất 1.500MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km và những công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG bao gồm: Kho chứa LNG và trạm tái hóa khí trên bờ với quy mô 1 bồn chứa khoảng 230.000m3; 1 trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, hạ tầng kỹ thuật cho kho chứa LNG và trạm tái hóa khí xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, với công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Dự án có diện tích dự kiến khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến 58.026 tỷ đồng (tương đương với hơn 2,4 tỷ USD, theo tỷ giá tại thời điểm công bố dự án). Địa điểm xây dựng dự án là tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tiến độ thực hiện dự án vận hành thương mại là trước năm 2030. Thời gian hoạt động của dự án này là 50 năm.

5 "ông lớn" muốn đầu tư vào dự án nhà máy hơn 2,4 tỷ USD

Việt Nam sắp có siêu nhà máy nhiệt điện hơn 2,4 tỷ USD, 5 “ông lớn” đua nhau làm chủ đầu tư- Ảnh 1.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là "siêu dự án" tỷ đô lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, đã đi vào hoạt động. Ảnh: NLĐ

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ngày 14/11/2023, đơn vị này đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất Dự án của Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co., Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico. Đến ngày 29/11/2023, Ban này tiếp nhận thêm hồ sơ hợp lệ của các nhà đầu tư khác.

Tính đến ngày 1/12/2023, danh tính 5 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ được công bố, trong đó bao gồm:

Thứ nhất, Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc - Công ty CP Tập đoàn Sovico;

Thứ hai, Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) - Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (APT);

Thứ ba, Tập đoàn năng lượng Gulf (Thái Lan);

Thứ tư, Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Thứ năm, Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group).

Ngày 30/7 vừa qua, hồ sơ mời thầu đã được gửi tới các nhà đầu tư trong danh sách ngắn. Dự kiến đóng/mở thầu vào chiều 30/9/2024.

Theo báo Đấu thầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án là đấu thầu hạn chế quốc tế, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, với 5 nhà đầu tư lọt vào danh sách ngắn đã được phê duyệt".

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, 5 nhà đầu tư ở trong danh sách ngắn đều có tiềm lực và mong muốn thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn. Do đó, điều quan trọng lúc này là các nhà đầu tư cần phải chứng minh năng lực thực sự bằng việc làm bài thầu thật tốt để có thể được lựa chọn.

Vì dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn là dự án quan trọng quốc gia nên hồ sơ mời thầu được xây dựng rất chặt chẽ nhằm đảm bảo lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực. Cụ thể, theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, giá trị đảm bảo dự thầu là 580,26 tỷ đồng hoặc 24,53 triệu USD và thời hạn hiệu lực đảm bảo dự thầu là 180 ngày kể từ ngày đóng thầu.

Việt Nam sắp có siêu nhà máy nhiệt điện hơn 2,4 tỷ USD, 5 “ông lớn” đua nhau làm chủ đầu tư- Ảnh 2.

Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn là dự án quan trọng quốc gia. Ảnh: VGP

Về phương án đầu tư kinh doanh, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, hồ sơ mời thầu nêu rõ, nhà máy đầu tư phải áp dụng thông số kỹ thuật theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế mới nhất. HSDT không đáp ứng nếu đề xuất của nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện tiên quyết: công suất Nhà máy 1.500 MW; nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp với hiệu suất trên 58,5% (điều kiện ISO) theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg về ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới; thời gian đưa Dự án vào vận hành thương mại từ 2029 - 2030…

Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, hồ sơ mời thầu quy định, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 8.704 tỷ đồng (tương đương 368 triệu USD). Tổng giá trị vốn chủ sở hữu và vốn vay nhà đầu tư có khả năng huy động tối thiểu là 58.026 tỷ đồng, tương đương với 2,453 tỷ USD. Theo đó, nhà đầu tư có giá trị vốn bằng hoặc trên mức này sẽ được điểm tối đa.

Về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, hồ sơ mời thầu yêu cầu, số lượng dự án mà nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu là một dự án để đạt điểm tối thiểu (75/150 điểm). Ngoài ra, nhà đầu tư đã thực hiện từ 3 dự án tương tự sẽ được điểm tối đa.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư kê khai lịch sử tranh chấp, khiếu kiện đối với các dự án đã và đang thực hiện, đảm bảo kê khai đầy đủ và trung thực (Mẫu số 12 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu) để chứng minh.

Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ là dự án tỷ USD lớn thứ ba ở Thanh Hóa, sau Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD và Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 gần 2,8 tỷ USD


Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên