MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sắp có thêm 5-7 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ 120km/h đầu tiên ở Hà Nội được gọi tên

Nhân dịp tham dự Hội nghị COP28 tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga để bàn về khoản vay 5-7 tỷ USD của WB cho Việt Nam.

Những dự án nào ở Việt Nam được vay gói 5-7 tỷ USD trong 3 năm tới?

Trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga diễn ra vào 2 ngày trước, 2 bên thống nhất thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện có, đồng thời thúc đẩy các dự án chiến lược quy mô lớn, có tác động lan tỏa, mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của WB dành cho Việt Nam trong thời gian qua, nhất là về tư vấn chính sách, cung cấp tài chính, triển khai nhiều dự án hiệu quả.

Tiếp lời, ông Ajay Banga nhấn mạnh WB sẽ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam sắp có thêm 5-7 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ 120km/h đầu tiên ở Hà Nội được gọi tên - Ảnh 1.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị WB thành lập một Trung tâm khu vực đặt văn phòng tại Việt Nam, khẳng định tạo điều kiện tốt nhất để văn phòng vùng vận hành các dự án tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Một số dự án thế hệ mới tiềm năng trong khuôn khổ khoản vay 5-7 tỷ USD của WB cho Việt Nam trong 3 năm tới gồm: dự án Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (REACH), dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Hoà Lạc, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Trong đó, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hòa Lạc lần đầu tiên được gọi tên. Đây sẽ là tuyến đường sắt xuyên tâm, kết nối trung tâm thủ đô với các đô thị dọc đại lộ Thăng Long.

Đô thị Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, giao thông kết nối từ trung tâm Thủ đô lên Hòa Lạc đã có Đại lộ Thăng Long hay Đường cao tốc Láng – Hòa Lạc dài 29km với mức vốn đầu tư 7.527 tỷ đồng.

Dự án đường sắt tốc độ 120km/h đầu tiên ở Hà Nội

Hà Nội cũng đang lên kế hoạch xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, là tuyến đường sắt xuyên tâm với chiều dài lên tới 38,43 km và tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng.

Dự án metro số 5 chính là công trình đường sắt đô thị có chiều dài và quy mô vốn lớn nhất trong số 8 tuyến metro được quy hoạch triển khai tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030.

Dự án được bố trí 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao), gồm: Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3, Lê Đức Thọ, Mễ Trì, Tây Mỗ, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha.

Việt Nam sắp có thêm 5-7 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ 120km/h đầu tiên ở Hà Nội được gọi tên - Ảnh 2.

Việt Nam sắp có thêm 5-7 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ 120km/h đầu tiên ở Hà Nội được gọi tên - Ảnh 3.

Theo tính toán của Hà Nội, sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ nhiều nguồn, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội (khoảng 15.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu của thành phố (khoảng 10.000 tỷ đồng). Phần vốn còn lại dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.

TP Hà Nội dự báo nhu cầu giao thông trên tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc năm 2025 vào khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm, tương đương hơn 24,7 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Đến năm 2050, con số này dự báo đạt hơn 780 nghìn lượt hành khách/ngày đêm, tương đương hơn 63,8 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Từ đây, Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h...

Trước đó, Việt Nam đã đề nghị World Bank nghiên cứu dành vốn vay cho một số dự án quan trọng của Việt Nam gồm:

Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cần 3,2 tỷ USD đầu tư phân kỳ đường đơn. Tư vấn trong nước hiện nay đã xong báo cáo giữa kỳ, 6 tháng đầu năm 2024 hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) và rồi Ngân hàng Thế giới có thể tiếp cận để nghiên cứu.

Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo và cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. Cả hai dự án đang được tư vấn hoàn thành báo cáo giữa kỳ. Dự kiến đến giữa năm 2024 sẽ hoàn thành Pre-FS. WB có thể tiếp cận hồ sơ để nghiên cứu sau khi tư vấn trong nước hoàn thành Pre-FS.


Theo PV

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên