Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN từ năm 2024
Theo cam kết trong Hiệp định ATIGA, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024.
- 24-06-2022“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu
- 23-03-2022Ngoài thuế môi trường, đề xuất xem xét giảm thuế nhập khẩu với xăng
Bộ Tài chính mới có dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) giai đoạn 2022- 2027 thay thế Nghị định số 156/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017.
Đáng chú ý, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu có lộ trình giảm thuế riêng theo kết quả đàm phán trong ASEAN và đã được ASEAN thông qua năm 2010. Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024.
Trước đó, ngày 8/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (danh mục AHTN 2022) trong đó quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai danh mục AHTN 2022”.
Theo Bộ tài chính, danh mục AHTN 2022 được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung danh mục AHTN 2017, nhằm cập nhật kịp thời những thay đổi về công nghệ, thương mại và phân loại hàng hóa để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu thị trường; đảm bảo hài hòa với hệ thống mô tả, chú giải và mã hàng quốc tế giai đoạn mới.
Để bảo đảm tính tuân thủ các cam kết quốc tế và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 29/NQ-CP trong việc triển khai danh mục AHTN 2022, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo danh mục AHTN 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022, thay thế cho Thông tư số 65/2017/TT- về ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo anh mục AHTN 2017 với hiệu lực thi hành từ 1/1/2018).
Một số nhóm hàng chính có sự thay đổi thuế suất khi chuyển đổi Biểu thuế ATIGA theo AHTN 2022 bao gồm: Các chế phẩm từ thịt, cá hay động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác (Chương 16), các chế phẩm ăn được khác (Chương 21).
Thuế suất ATIGA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định ATIGA. Về tổng thể, Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 10.583 dòng thuế (không bao gồm 230 dòng thuế CKD) theo AHTN 2017 và 11.150 dòng thuế (không bao gồm 264 dòng thuế CKD), theo AHTN 2022, dòng chi tiết ở cấp độ 8 số.
Theo cam kết Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018 (chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm từ sữa...).
Ngoài ra, khoảng 2% số dòng thuế của Biểu thuế ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (SL) được phép duy trì thuế suất ở 5% gồm: Gia cầm sống, thịt gà, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường, các mặt hàng thuộc danh mục loại trừ.
Theo kết cấu mới, số dòng thuế thuộc các danh mục xóa bỏ thuế quan và không cam kết theo AHTN 2022 tăng hơn so với AHTN 2017, số dòng thuế thuộc danh mục cắt giảm thuế giảm xuống. Về tỷ lệ trên tổng biểu thì hầu như không thay đổi. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định ATIGA giữ ở mức khoảng 98%./.
VOV