MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao mới như thế nào?

Nhà cung cấp, đối tác của những ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google... đã có những động thái gia nhập thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) Pegatron vừa có kế hoạch đầu tư tổ hợp công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao trị giá 1 tỷ USD ở Hải Phòng, nhằm sản xuất thiết bị điện tử như máy vi tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử và bảng mạch.

Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao mới như thế nào? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) Pegatron vừa đầu tư tổ hợp sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở thành phố Hải Phòng trị giá 1 tỷ USD.

Theo chủ trương đầu tư, tổ hợp sản xuất sản phẩm công nghệ cao được chia thành 3 dự án, gồm Pegatron Việt Nam 1 có tổng vốn đầu tư 19 triệu USD đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp chứng nhận đầu tư vào 17/3. Pegatron Việt Nam 2 sẽ có tổng vốn đầu tư 481 triệu USD, đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư. Cuối cùng, Pegatron Việt Nam 3 dự kiến có tổng mức đầu tư 500 triệu USD và được thực hiện trong giai đoạn 2026-2027.

Petragon là một trong 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới về linh kiện, sản xuất điện tử và là đối tác của Apple, Microsoft, Sony... Bên cạnh kế hoạch đầu tư tổ hợp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, Pegatron còn dự định chuyển trung tâm R&D từ Trung Quốc sang Việt Nam vào đúng thời điểm dự án Pegatron 3 đi vào hoạt động.

Trước đó, Hải Phòng cũng đón nhận nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của LG từ Hàn Quốc dịch chuyển sang. Quyết định này được cho là hướng tới tận dụng chi phí nhân công giá rẻ, chỉ bằng 1/8 so với lao động ở Hàn Quốc nhưng lại có chất lượng tương đương.

Cùng chung mục tiêu tiết giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh, Samsung đã di dời mảng sản xuất máy tính cá nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ở Tô Châu, hãng này đã thông báo cho nhân viên về việc nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm việc làm chính thức. Tính đến cuối tháng 7, nhà máy này chỉ còn khoảng 1.700 lao động. Đây là nhà máy cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc được thành lập vào 2002. Có thời điểm, nhà máy sử dụng nhiều lao động nhất lên tới 6.500.

Việc một số tập đoàn công nghệ hàng đầu đa quốc gia chuyển dịch sang Việt Nam là tín hiệu tích cực trong xu hướng dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo giảm khoảng 60% trong năm nay, theo dự báo của Liên Hợp quốc được đưa ra vào giữa tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, việc đón được dòng vốn công nghệ cao hay lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư của những tập đoàn đa quốc gia như LG, Samsung hay Pegatron nhìn chung mới chỉ là hiện tượng, chưa phải là xu hướng. Bức tranh thu hút FDI 8 tháng đầu năm phần nào cho thấy điều này. Trước tiên, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trên cả nước đạt gần 20 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, số dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư mới là 1.797, trị giá 9,73 tỷ USD, giảm 25% về số lượng dự án. Quy mô mỗi dự án là khoảng 0,5 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với trung bình năm ngoái là 4,3 triệu USD. Điều này không chỉ tạo lực cản trong việc tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực tư nhân mà nguy cơ tiếp nhận công nghệ cũ, lạc hậu là rất lớn, thậm chí không ngoại trừ khả năng việc đầu tư đội lốt xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có quy định về việc từ chối tiếp nhận dự án FDI có quy mô nhỏ.

Để tăng cường thu hút FDI chất lượng cao và phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào 2025 và đạt 100% vào 2030 so với 2018 theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam trước tiên cần đáp ứng được những điều kiện về hạ tầng đầu tư.

Trong số 63 địa phương, Đồng Nai luôn là cái tên quen thuộc với nhà đầu tư nước ngoài và được ví như “thủ phủ” cho những dự án công nghiệp, công nghệ cao. Ông Kawaue Jun-Uchi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM từng nhận định rằng sức hút của Đồng Nai nằm ở chỗ hạ tầng giao thông thuận lợi, khu công nghiệp đầu tư bài bản, dịch vụ đi kèm đầy đủ. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào muốn thuê đất hay nhà xưởng xây dựng sẵn đều có. Do đó, 4 năm trở lại đây có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai. Cũng nằm trong xu hướng mở rộng đầu tư và tận dụng sự hỗ trợ từ Chính phủ nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu, 15 trên 50 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn điểm đến là Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ 1 triệu JPY (216 triệu đồng) đến 5 tỷ JPY (1.082 tỷ đồng), tùy thuộc vào quy mô của từng dự án sản xuất, kinh doanh.

Không những vậy, những chính sách ưu đãi về thu hút FDI phải được thiết kế riêng cho từng nhà đầu tư tùy theo mức độ, tính chất của dự án như ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ tại hội thảo “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” diễn ra hồi đầu tháng. 

"Trước mắt, trong một dự án đầu tư cụ thể với một quy mô tướng ứng thì nhà đầu tư phải xác định cần bao nhiêu lao động và cần họ vào những vị trí như thế nào? Từ đó, cơ quan quản lý thiết kế chương trình hỗ trợ đào tạo cho từng dự án, từng nhà đầu tư một theo phương thức thiết kế cả gói, như thế mới có thể giải quyết được yêu cầu của nhà đầu tư", ông Cung nói. 

Ví dụ như Pegatron đã đề xuất nâng chỉ tiêu sử dụng đất của dự án lên 1,8 lần, chiều cao xưởng tối đa 5 tầng, văn phòng 6 tầng, chiều cao công trình tối đa 38 m, mật độ xây dựng 60% thay vì hệ số sử dụng 0,8-1,2 lần, mật độ xây dựng 40-60% và tầng cao trung bình là 2 tầng theo quy hoạch trước đây. Ngoài ra, tổ hợp công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ cao khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra khoảng 22.500 việc làm trực tiếp nên Pegatron còn đề xuất xây dựng khu nhà ở và các công trình tiện ích đi kèm cho người lao động.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, để thu hút thêm ngày càng nhiều những tập đoàn đa quốc gia, có công nghệ cao theo GS TSKH Nguyễn Mại Việt Nam đã đến lúc nghiên cứu lại chính sách ưu đãi đầu tư về tài chính. Nhà đầu tư thích ưu đãi tài chính hơn là ưu đãi thuế, bởi ưu đãi tài chính có hiệu lực tức thì, còn ưu đãi thuế phụ thuộc vào quá trình sản xuất, kinh doanh sau này.

Tập đoàn Intel từng được nhận khoản hỗ trợ trị giá 70 triệu USD khi đầu tư vào Việt Nam thời điểm 2006. Nhờ có chính sách đột phá này, Intel đã quyết định đầu tư vào Việt Nam thay vì chọn Ấn Độ - một trong những thị trường đầu tư tiềm năng, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam không chỉ ở thời điểm đó mà còn cho đến tận ngày nay.

Nối gót Intel, làn sóng tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã hình thành. Có thể kể đến như Samsung, LG, Kyocera, Microsoft, Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, Fuji Xerox…

“Việt Nam có thể không máy móc áp dụng những biện pháp cạnh tranh thu hút FDI như Indonesia hay Ấn Độ đã làm nhưng nên nghiên cứu. Bởi nếu không, chúng ta có thể sẽ mất đi một lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài”, GS TSKH Nguyễn Mại nói.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên