MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sở hữu một tài nguyên lớn thứ 2 thế giới: 'Át chủ bài' trong 200 sản phẩm công nghệ cao - là gì?

Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào nguồn tài nguyên khoáng sản này.

Theo tài liệu mới nhất công bố năm 2024 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), tính đến năm 2023, Việt Nam là quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới. 

Việt Nam sở hữu một tài nguyên lớn thứ 2 thế giới: 'Át chủ bài' trong 200 sản phẩm công nghệ cao - là gì?- Ảnh 1.

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Ảnh: Ross Tomei/Getty Images

Trong tổng số 110 triệu tấn trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới tính đến năm 2023, Việt Nam sở hữu 22 triệu tấn đất hiếm, chiếm 20% tổng trữ lượng đất hiếm so với toàn cầu.

Bảng thống kê mới nhất của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới tính đến năm 2023 lần lượt là: 

  • Trung Quốc (44 triệu tấn) 
  • Việt Nam (22 triệu tấn)
  • Brazil (21 triệu tấn)
  • Nga (10 triệu tấn)
  • Ấn Độ (6,9 triệu tấn)
Việt Nam sở hữu một tài nguyên lớn thứ 2 thế giới: 'Át chủ bài' trong 200 sản phẩm công nghệ cao - là gì?- Ảnh 2.

Bảng dữ liệu công bố trữ lượng đất hiếm và khả năng sản xuất đất hiếm của 15 quốc gia trên thế giới năm 2023. Nguồn: Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG) công bố năm 2024.

Đất hiếm (hay Nguyên tố đất hiếm - Rere earths) tương đối dồi dào trong lớp vỏ Trái đất, nhưng nồng độ có thể khai thác được ít phổ biến hơn so với hầu hết các khoáng sản khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Cụ thể, tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng. Bên cạnh đó còn có các mỏ đất hiếm tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Viện Khoa học Địa chất Mỹ (AGI) cho hay, các nguyên tố đất hiếm (viết tắt là REE) là một tập hợp gồm 17 nguyên tố kim loại. Chúng bao gồm 15 nguyên tố lanthanide trong bảng tuần hoàn cộng với scandium và yttrium.

Kể từ khi được phát hiện vào thế kỷ 18 (năm 1787) đến nay, nguyên tố đất hiếm đóng vai trò là một phần thiết yếu của nhiều thiết bị công nghệ cao. 

Việt Nam sở hữu một tài nguyên lớn thứ 2 thế giới: 'Át chủ bài' trong 200 sản phẩm công nghệ cao - là gì?- Ảnh 3.

Ảnh minh học các nguyên tố đất hiếm. Nguồn: Joaquin Corbalan P./Shutterstock.com.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ tường giải: Đất hiếm là thành phần cần thiết của hơn 200 sản phẩm trong nhiều ứng dụng, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao, chẳng hạn như điện thoại di động, ổ cứng máy tính, xe điện và xe hybrid, màn hình phẳng và TV; Các ứng dụng của đất hiếm trong quốc phòng quan trọng bao gồm màn hình điện tử, hệ thống dẫn đường, laser và hệ thống radar và sonar. 

Mặc dù lượng đất hiếm được sử dụng trong một sản phẩm có thể không phải là một phần đáng kể của sản phẩm đó nếu tính theo trọng lượng, giá trị hoặc thể tích, nhưng đất hiếm là 'át chủ bài' rất cần thiết để thiết bị hoạt động. 

Ví dụ, nam châm làm bằng đất hiếm thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng trọng lượng, nhưng nếu không có chúng, động cơ trục chính và côn loa của máy tính để bàn và máy tính xách tay sẽ không thể hoạt động.

Mục tiêu lớn của Việt Nam năm 2030

Tuy có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nhưng Việt Nam đối mặt với bài toán khó về năng lực sản xuất đất hiếm.

Trở lại với Bảng dữ liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ công bố năm 2024. Việt Nam sở hữu trữ lượng 22 triệu tấn nhưng chỉ có khả năng sản xuất, chế biến được 600 tấn (năm 2023) và 1.200 tấn (năm 2022).

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về khả năng chế biến đất hiếm, tăng từ 210.000 tấn (năm 2022) lên 240.000 tấn (năm 2023). Mỹ dù là quốc gia có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 7 trên thế giới nhưng lại xếp thứ 2 thế giới về khả năng chế biến đất hiếm - tăng từ 42.000 tấn đất hiếm đã chế biến năm 2022 lên 43.000 tấn năm 2023. Điều này cho thấy, Trung Quốc và Mỹ đang sở hữu công nghệ chế biến sâu đất hiếm. 

Đầu tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong việc khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng (đặc biệt là các nguyên tố đất hiếm), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần phải hướng tới chế biến sâu và chế biến tinh tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu. 

Tuy nhiên, 'điểm khó' là hiện tại Việt Nam chưa có đủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thêm.

Năm 2014, Việt Nam bắt đầu khai thác đất hiếm. 10 năm qua, việc khai thác và sản xuất đất hiếm của chúng ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc xuất khất đất hiếm chỉ ở dưới dạng quặng thô với giá thành không cao.

Việt Nam sở hữu một tài nguyên lớn thứ 2 thế giới: 'Át chủ bài' trong 200 sản phẩm công nghệ cao - là gì?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

PGS. TS. Hoàng Anh Sơn (Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) cho biết trên Giáo dục và Thời đại rằng, Việt Nam chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân chính của việc này là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng trên 95%; cũng như chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm riêng rẽ.

Đối với công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế.

PGS. TS. Hoàng Anh Sơn gợi ý rằng, Việt Nam nên tạo cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến sâu đất hiếm kèm theo điều khoản về chuyển giao công nghệ, nhất là các doanh nghiệp từ các quốc gia có nền công nghiệp đất hiếm phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Trong Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Việt Nam dự tính mỗi năm đạt được mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Đến 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm nhằm phục vụ xuất khẩu.

Để đạt được các mục tiêu dài hạn đó, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình thăm dò, khai thác cũng như có được công nghệ chế biến sâu và tinh đất hiếm vừa để phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu - vừa để tương xứng với tiềm năng sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới này.

Tham khảo: Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Viện Khoa học Địa chất Mỹ, Giáo dục và Thời đại

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên