MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam thịnh vượng nhờ doanh nghiệp tư nhân trong nước song cũng cần lưu ý rủi ro

Sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ phải dựa vào các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước). Tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn và trục trặc xảy ra với các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ gây ra tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Bên cạnh những lạc quan, cơ hội, đang có những thách thức nhất định đối với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của khu vực, thế giới. Dưới đây là góc nhìn của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du với NDH.vn về câu chuyện chu kỳ 10 năm khủng hoảng, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng như những lưu ý đối với kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Kể từ khi Đổi mới đến nay, Việt Nam đã phải gánh chịu 3 cuộc khủng hoảng tài chính mà điểm rơi của nó đều vào năm thứ 9 của mỗi thập kỷ. Nguyên nhân chính là một số ít cá nhân đã dùng vốn huy động được trong xã hội đầu cơ vào các tài sản rủi ro hoặc sử dụng vì mục đích cá nhân mà không tạo ra các giá trị cho xã hội.

Điều đáng quan tâm là mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng này đã tăng dần theo thời gian. Đang có những nguy cơ tiềm ẩn lớn cho dù những biện pháp kỹ thuật (như các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính hay cơ chế giám sát …) đã được cải tiến tốt hơn rất nhiều. Do vậy, Việt Nam cần hết sức lưu ý vấn đề này.

Việt Nam thịnh vượng nhờ doanh nghiệp tư nhân trong nước song cũng cần lưu ý rủi ro - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thế Du. Ảnh: VietnamFinance.

Hai mặt của kinh tế thị trường

Thực tiễn của nhân loại đã chứng minh cơ chế thị trường được dựa trên lòng tham và sự vị kỷ của con người thường là cách thức phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thị trường cũng có những khuyết tật của nó do lòng tham và sự vị kỷ của con người gây ra. Ví dụ, các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới xảy ra cũng có nguyên nhân như ở Việt Nam.

Điều này cũng đã được chứng minh ở Việt Nam từ khi Đổi mới đến nay. Những kết quả kinh tế có được phần lớn là nhờ sự hoạt động hiệu quả của thị trường. Tuy nhiên, nhiều trục trặc nghiêm trọng đã xảy ra do lòng tham và sự vị kỷ của con người gây ra với điển hình là các cuộc khủng hoảng chu kỳ nêu trên.

Do vậy, các chính sách công cần thiết đối với Việt Nam là một mặt thúc đẩy các cơ chế thị trường hoạt động một cách đúng nghĩa và hiệu quả hơn; nhưng mặt khác cần phải lưu ý và có biện pháp cần thiết để hạn chế khuyết tật của thị trường.

Chu kỳ 10 năm

Khủng hoảng năm 1989 là do Nhà nước cho người dân muốn làm gì thì làm (ít nhất là ở khía cạnh tài chính tín dụng). Hậu quả của nó là tháp Ponzi mà ở đó tiền của người gửi sau dùng để trả lãi cho người gửi trước đó chứ làm gì có thể kinh doanh mức sinh lời lên đến 24%/tháng và tháp này sụp đổ khi không còn người gửi tiền nữa đã xảy ra. Nhân tố gây ra khủng hoảng là hằng hà vô số các hợp tác xã tín dụng (hơn 7.000) mà chúng có thể ví như bầy cá lòng tong.

Khủng hoảng năm 1999 là do việc lơi lỏng các ngân hàng thương mại cổ phần để một số doanh nghiệp biến chúng thành sân sau hay bộ phận huy động vốn để đầu cơ. Hoặc một số doanh nghiệp câu kết với các ngân hàng để dùng vốn vay ngắn hạn đầu cơ vào bất động sản. Kết quả rủi ro đạo đức đã xảy ra và trục trặc. Những ngân hàng hay doanh nghiệp lúc đó cũng đã có quy mô đáng kể, nhưng so với nền kinh tế và quy mô tuyệt đối là khá khiêm tốn.

Khủng hoảng năm 2009 xảy ra cũng là kịch bản tương tự năm 1999, nhưng mức độ trầm trọng hơn. Tình trạng sở hữu chéo đã hết sức trầm trọng và “cái chết” cũng là do dùng tiền huy động để đầu cơ vào các tài sản (bất động sản, vàng và một số tài sản tài chính rủi ro khác).

Năm 2009 còn bị cú đánh bồi sau đó với sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines với quy mô rất lớn so với nền kinh tế. Mức độ rất nghiêm trọng đã xảy ra để đầu năm 2011, Bộ Chính trị phải ra nghị quyết ổn định vĩ mô làm ưu tiên cho dù Đại hội XI vẫn đặt tăng trưởng làm ưu tiên.

Trong cuộc khủng hoảng năm 2009, quy mô của các doanh nghiệp (kể cả ngân hàng) đã lớn, nhưng chưa đến mức quá lớn; trong khi Vinashin có quy mô rất lớn nhưng có “bà đỡ” là Nhà nước đứng đằng sau nên mức độ sốc không quá khủng khiếp.

Nhìn lại ba cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm xảy ra kể từ khi Đổi mới đến nay chỉ có một nguyên nhân duy nhất là một số cá nhân đã dùng vốn huy động được của cả nền kinh tế đi đầu tư vào các tài sản rủi ro để kiếm lợi ngắn hạn. Khi bong bóng tài sản đang căng thì mọi chuyện rất ổn. Tuy nhiên, trục trặc đã xảy ra khi nền kinh tế “hết tiền” cho việc bơm các bong bóng này.

Nguy cơ tiềm tàng

Như đã nên ở trên, kinh tế thị trường là con đường đi đến giàu có của mỗi quốc gia. Sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ phải dựa vào các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước). Tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn và trục trặc xảy ra với các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ gây ra tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều vì hai lý do:

Thứ nhất, khi rủi ro xảy ra với các DNNN thì những người điều hành muốn đưa ra các quyết định rủi ro hơn vẫn chịu các ràng buộc vì không thể muốn làm gì thì làm. Trái lại, đối với các doanh nghiệp tư nhân, quyền hành nằm toàn bộ trong tay các chủ doanh nghiệp nên các quyết định được đưa ra nhanh và rủi ro hơn rất nhiều. Cho nên, tình trạng con bạc khát nước (nếu có) sẽ rất trầm trọng.

Thứ hai, các DNNN vẫn có ràng buộc ngân sách mềm hay khi rủi ro xảy ra thì nhiều người vẫn nghĩ rằng có nhà nước đứng đằng sau và sẽ cứu nên mức độ hoảng loạn sẽ ít hơn. Trái lại các doanh nghiệp tư nhân thường không có được điều này (trừ tình huống quá lớn không thể thất bại). Do vậy, hiệu ứng tan chảy hay sụp đổ sẽ nhanh chóng và dư chấn mạnh hơn rất nhiều.

Tóm lại, tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong năm 2019 với kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước. Nền kinh tế Việt Nam, thực ra, rất mong manh, chỉ cần một hoặc một vài doanh nghiệp lớn nào đó gặp trục trặc là cả nền kinh tế gặp vấn đề ngay. Do vậy, một trong những việc hết sức quan trọng là các cơ quan giám sát phải để mắt rất kỹ đến các doanh nghiệp này. Chính sách và quản lý vĩ mô cần phải đảm bảo sao cho các rủi ro đừng xảy ra song song với việc tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn.

Theo Huỳnh Thế Du

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên