MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam thu hút được trên 1 triệu tỷ đồng từ các dự án PPP

Sáng 16/1, phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 1 "Quản trị huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả" trong khuôn khổ sự kiện "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ông Vũ Đại Thắng – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo: Việt Nam đã thu hút được trên 1 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD) từ các dự án PPP.

Mô hình hợp tác công tư (PPP) là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai khu vực này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Đại Thắng dẫn lại 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11; đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về hạ tầng, Việt Nam phải xây dựng hệ thống kết cấu đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào các hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị mới. Trong số đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ rõ 4 lĩnh vực trọng tâm, cần đầu tư cấp bách: giao thông, cung cấp điện, thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị lớn.

Ông Thắng cho biết, nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa ngân sách Nhà nước, chính phủ nỗ lực thu hút đầu tư tư nhân thông qua các dự án PPP.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam đã thu hút được tất cả 150 dự án đầu tư PPP (không tính các dự án theo hình thức BT) với tổng mức đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD). "Các dự án PPP đã góp phần cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng Việt Nam", đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét.

Về hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn: Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp đảm bảo kết nối vùng miền cả nước: mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh, hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 1.000 km đường cao tốc, nâng cấp các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc,..

Về hạ tầng năng lượng, ông Thắng khẳng định, Việt Nam cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển, hoàn thành nhiều công trình lớn hoặc đang xây dựng triển khai như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nhiệt điện Duyên Hải Vũng Áng 2, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2; tăng 18 ngàn mW công suất nguồn, 7.600 km đường truyền tải các loại từ 500kV, 37.000 mW công suất trạm biến áp.

Về hạ tầng thủy lợi, các dự án đã hoàn thành sửa chữa trên 600 hồ chứa, lắp đặt trang thiết bị giám sát 22 hồ đập lớn. Các công trình hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng năng lực tưới tiêu cho trên 170 ngàn hecta, tạo nguồn cấp nước cho 280 ngàn hecta, tiêu úng 180 ngàn hecta đất nông nghiệp.

Hạ tầng đô thị đầu tư lớn nhất ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều công trình đô thị như trục giao thông nối tâm, đường vành đai, tuyến đường tránh, đường sắt đô thị,… được đầu tư rất nhanh chóng.

Bên cạnh kết quả những kết quả đã đạt được, ông Thắng cũng chỉ ra 4 thách thức. Thứ nhất là quy mô nền kinh tế còn chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế nên duy trì đầu tư cho kết cấu hạ tầng ở mức độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến phát triển chung của nền kinh tế.

Thứ hai, duy trì đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng sẽ gây áp lực với trần nợ công cao. Thứ ba, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình sẽ làm giảm tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vốn vay giá rẻ.

Thêm vào đó, hiện nay Nhà nước chưa đủ nguồn lực bao quát các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý chưa đủ mạnh, thiếu bảo lãnh chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, các dự án thực thi chưa đảm bảo chuyên nghiệp và minh bạch.

Cũng từ thực trang đó, ông Thắng nêu ra một số giải pháp: cấp tín dụng dài hạn cho các nhà đầu tư, quản lý vốn đầu tư, kiểm tra giám sát theo cơ chế phối hợp, cải cách thể chế thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư,…


Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên