MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam tự tin chiến tranh thương mại mang đến cơ hội nhiều hơn là thách thức

13-09-2018 - 12:08 PM | Tài chính quốc tế

Để biến Việt Nam thành 1 điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất chế tạo nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại nhất có thể.

Ngồi xuống để dành ít phút cho cuộc phỏng vấn với phóng viên Bloomberg tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra khá vội vã.

Lịch làm việc của ông trong những ngày này rất bận rộn và ngay sau cuộc phỏng vấn này ông sẽ có 1 cuộc gặp với các nhà đầu tư bên lề sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức sự kiện này, và thông điệp mà ông muốn truyền đạt đến lãnh đạo các nước cũng như giới kinh doanh quốc tế rất đơn giản: Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để không bị tổn thương, bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thậm chí còn có thể tận dụng các cơ hội để trở nên tốt hơn trước

"Chiến tranh thương mại mang đến cả cơ hội và thách thức, nhưng cơ hội còn nhiều hơn thách thức", Thủ tướng nói.

Đúng là những cơ hội dài hạn rất rõ ràng. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đánh thuế tất cả các hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, các công ty vốn đang phải chịu gánh nặng chi phí nhân công tăng lên và đang đẩy mạnh kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác. Và Việt Nam - ở vị trí gần kề Trung Quốc – sẽ được hưởng lợi.

Quốc gia 96 triệu dân đã thực hiện nhiều cải cách hướng về thị trường tự do trong mấy thập kỷ gần đây, giúp tạo ra tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Hơn nữa nhân công Việt Nam cũng có năng suất tương đương với công nhân Trung Quốc nhưng chi phí chỉ rẻ bằng 2/3, theo 1 báo cáo được VinaCapital công bố hồi tháng 7.

Một số nhà sản xuất lớn của thế giới đã đặt cược lớn vào Việt Nam. Cái tên đáng chú ý nhất là Samsung Electronics, công ty chiếm tới khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017. Các tập đoàn khác như LG Electronics, Intel và Nestle cũng hiện diện ở Việt Nam.

Để biến Việt Nam thành 1 điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất chế tạo nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại nhất có thể. Mới đây Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu, sau khi cùng 10 nước khác ký kết hiệp định TPP không có Mỹ.

"Việt Nam có đội ngũ đàm phán thương mại bận rộn nhất ở khu vực Đông Nam Á", theo nhận xét của Eugenia Victorino – chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ Singapore.

Nỗ lực của Việt Nam đã được đền đáp bằng những bước tiến trên chuỗi giá trị. Các mặt hàng điện tử và điện thoại giờ đây chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu, so với con số 5% cách đây 1 thập kỷ, trong khi hàng may mặc và nông sản là những mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh.

Việt Nam cũng đã khéo léo mở rộng xuất khẩu sang Mỹ mà vẫn tránh được sự phàn nàn của Tổng thống Trump về thâm hụt thương mại. Năm 2017 Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, sau Trung Quốc, Mexico, Đức, Canada và Nhật Bản – tất cả các nước này đều đã trở thành mục tiêu tấn công của ông Trump. Có thể nguyên nhân là do phần lớn các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là giày dép và hàng dệt may có giá trị thấp. Hàng công nghệ cao từ Việt Nam vào Mỹ chỉ có giá trị khoảng 8 tỷ USD năm ngoái, so với mức 250 tỷ USD của Trung Quốc xuất vào Mỹ (theo số liệu của VinaCapital).

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên