MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam và câu chuyện của quốc gia đi ngược lại xu hướng chung

Trong cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ bên lề Vietnam Business Summit 2019, TGĐ PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân nhiều lần dùng từ "ấn tượng" để mô tả về nền kinh tế trong 9 tháng vừa qua. Những chỉ số vĩ mô đang cho thấy một câu chuyện rất khác tại Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có xu hướng giảm tốc với nhiều rủi ro, thách thức.

Với kinh tế 9 tháng vừa qua, đâu là điểm khiến bà cảm thấy ấn tượng?

Theo số liệu thống kê mới được công bố, GDP 9 tháng của năm 2019 đã tăng trưởng ở mức 6,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm cao nhất trong 9 năm qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong khu vực có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều rủi ro, thách thức và căng thẳng gia tăng. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.

Tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng này phần nào thể hiện tình hình môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng được cải thiện khiến các doanh nghiệp tự tin gia nhập thị trường hơn.

Một điều đáng mừng là sự phát triển ngày càng lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Một quốc gia muốn phát triển bền vững phải có nội lực, khu vực kinh tế tư nhân được coi là động lực phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Việt Nam và câu chuyện của quốc gia đi ngược lại xu hướng chung - Ảnh 1.

Khi tiếp xúc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phản hồi của họ như thế nào về cơ hội làm ăn kinh doanh ở Việt Nam?

Như tôi đã nói, dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự bất ổn trên thế giới và trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Việt Nam vẫn được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á đối với đầu tư nước ngoài trong những năm tới. Điều này được thể hiện thông qua lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2019 và sự sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam.

Hầu hết các doanh nghiệp mà tôi tiếp xúc đều nhìn nhận tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều e ngại về rủi ro sẽ mất dần sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực về tiềm năng thu hút vốn thì Việt Nam đang ở đâu?

Theo công bố mới nhất của U.S. News & World Report về bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay, dựa trên khảo sát 7.000 lãnh đạo doanh nghiệp, Việt Nam xếp thứ 8 trên 29 nền kinh tế, tức tăng từ vị trí 23 năm ngoái. Việt Nam đã vượt qua các nước láng giềng như Malaysia – vị trí 13, Singapore – vị trí 14 và Indonesia – vị trí 18.

Còn với Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC năm 2017 và 2018 của PwC, Việt Nam là điểm đến tiềm năng số 1 tại khu vực APEC về thu hút đầu tư xuyên biên giới.

Kết quả khảo sát năm 2019 sẽ được công bố vào giữa tháng 11 sắp tới tại Chile. Tuy nhiên dựa vào những tín hiệu tốt của thị trường và qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, tôi kỳ vọng rằng các đánh giá năm nay cũng sẽ rất tích cực.

Vậy lý do đằng sau những thông tin tích cực này là gì?

Sự tăng trưởng thu nhập bình đầu người, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế vĩ mô ổn định vẫn là những điểm thu hút chính tạo ra động lực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Họ cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm gần đây, điển hình là các nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, và xây dựng khuôn khổ pháp lý ổn định minh bạch.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mới như EVFTA và CPTPP hứa hẹn sẽ khơi thông và thúc đẩy dòng chảy về vốn và thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia.

Đấy là điểm tích cực, nhưng ở chiều ngược lại, đâu là những điểm bất lợi của Việt Nam?

Qua các khảo sát của PwC cũng như những trao đổi với doanh nghiệp, tôi cho rằng có 2 thách thức nổi bật mà họ đang quan tâm.

Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và năng lượng. Sự tăng trưởng về giao thương và sản xuất đang đặt ra gánh nặng lớn cho những hệ thống cơ sở hạ tầng. Hạn chế về cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Một trong những giải pháp mà Chính phủ đang đặt ra là tăng cường hợp tác công tư (PPP) để đẩy mạnh các dự án xây dựng giao thông và năng lượng.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng là một vấn đề khi mà cả thế giới đang tiến dần tới nền kinh tế số. Một điều khá khích lệ là các tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn của Việt Nam đang khá tích cực đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ hai là câu chuyện về nguồn nhân lực. Nhìn chung Việt Nam thừa lao động giản đơn nhưng thiếu rất nhiều lao động có trình độ. Đấy là chưa tính đến nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.

Chi phí lao động thấp được coi là lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên chỉ đúng với lao động giản đơn. Nếu xét về chi phí lao động có trình độ, Việt Nam không hề rẻ so với trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cho biết họ không thể thực hiện các chiến lược phát triển hay chuyển đổi do thiếu nguồn nhân lực có trình độ.

Nếu xét đến nhu cầu nguồn nhân lực cho kinh tế số, Việt Nam dự kiến ​​sẽ thiếu khoảng 500.000 nhà khoa học dữ liệu và khoảng một triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin vào năm 2020, theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Thông tin và Truyền thông và APEC. Do thiếu nguồn nhân lực có trình độ, Việt Nam khó thu hút được các nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Cảm ơn bà!

Đức Minh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên