Việt Nam vượt Brazil trở thành nhà cung ứng cà phê hàng đầu vào Nhật Bản
Tại Nhật Bản, người dân vẫn tiếp tục phải ở nhà sau lệnh phong toả, nhu cầu tiêu thụ cà phê hoà tan tại quốc gia này ngày càng tăng mạnh dẫn đến lượng cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật cũng tăng theo. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu về cung ứng cà phê của Nhật Bản.
- 21-09-2020Lương hưu sẽ có thay đổi gì từ ngày 1/1/2021?
- 20-09-2020TP Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP của cả nước sau khi thành lập
- 20-09-2020Doanh nghiệp Thái Lan đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam 'rất sáng'
- 19-09-2020Chuyên gia Úc: Việt Nam sẽ là ứng cử viên sớm nhất cho "bong bóng du lịch" quốc tế
Khi ngày càng có nhiều người Nhật Bản phải làm việc tại nhà do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tăng lên. Điều này dẫn đến nhu cầu về hạt cà phê Robusta - nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan cũng tăng theo.
Ngoài ra, doanh số bán hạt cà phê Arabica vào các chuỗi cà phê ở Nhật đã giảm đi. Xu hướng này đã giúp cho Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất trên thế giới, trở thành nhà cung cấp hạt cà phê Robusta lớn nhất của Nhật Bản, theo sau là Brazil.
Đối với thị trường London, Anh, giá cà phê Robusta nhiều lúc tăng lên sát mức cao nhất trong 18 tháng, trong khi đó giá cà phê Arabica lại đang trong đà suy giảm.
Trên thị trường London, giá cà phê Robusta giao trong kì hạn tháng 9 hiện đang ở mức 1.480 USD/tấn, tăng 9% so với thời điểm đầu năm nay. Vào hồi đầu tháng 9, giá cà phê Robusta đã có lúc chạm mức 1.554 USD/tấn.
Trên thị trường New York, giá cà phê Arabica giao dịch ở mức 1,20 USD/ounce, giảm 5% tính từ đầu năm đến nay.
Người dân Nhật Bản đã chuyển sang dùng cà phê tại nhà thay vì ở cửa hàng do tác động của đại dịch Covid-19. Vào đầu mùa hè, giá bán của cả hai loại cà phê trên bắt đầu tăng do tình hình dịch bệnh diễn biến đỡ phức tạp hơn, tuy nhiên sau đó giá cà phê Arabica và Robusta lại có xu hướng trái chiều.
Vào tháng 4, các quán cà phê và nhà hàng trên khắp Nhật Bản phải đóng cửa do Chính phủ đưa ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh. Điều này đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ cà phê Arabica giảm sâu.
Nguồn: Nikkei Asian Review
Khi so sánh hai loại hạt cà phê phổ biến này, Arabica được đánh giá là cao cấp hơn nếu so sánh về hương thơm, mùi vị và chất lượng tổng thể. Phần lớn các quán cà phê và nhà hàng đều sử dụng loại hạt này.
Giám đốc chuỗi kinh doanh cà phê tại công ty Ishimitsu tại Kobe (Nhật Bản), ông Masaomi Arakawa nhận định: "Kể cả sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, cho đến nay lượng khách đến các quán cà phê và nhà hàng vẫn chưa thể phục hồi, chính vì vậy nhu cầu về hạt cà phê Arabica vẫn ở mức thấp".
Ngược lại, nhu cầu về hạt cà phê Robusta lại tăng mạnh bởi người tiêu dùng vẫn tiếp tục ở nhà kể cả khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ. Chuyên gia tại tập đoàn Ajinomoto chỉ ra rằng nhu cầu đối với cà phê hòa tan tăng rất nhanh.
Cụ thể, doanh số bán các sản phẩm cà phê hòa tan trong quý II/2020 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những thay đổi về xu thế tiêu dùng cũng đã tác động đến việc Nhật Bản nhập khẩu hạt cà phê chưa rang. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu hạt cà phê chưa rang hàng đầu vào Nhật Bản, với tổng lượng là 67.392 tấn cà phê Robusta, tăng 26% so với cùng kỳ.
Đồng thời, Nhật Bản nhập khẩu cà phê từ Brazil - quốc gia sản xuất hạt cà phê Arabica lớn nhất thế giới, giảm 40% so với cùng kỳ, ở mức 63.850 tấn.
Cố vấn công ty kinh doanh cà phê đặc sản Wataru & Co., ông Shiro Ozawa khẳng định: "Việt Nam đang trên đà vượt qua Brazil về xuất khẩu cà phê sang thị trường Nhật Bản trong năm nay".
Hạt cà phê Robusta ít chịu ảnh hưởng bởi côn trùng và dịch bệnh hơn so với hạt Arabica. Hơn nữa, cây cà phê Robusta cũng có sức chống đỡ tốt hơn so với Arabica, rất dễ trồng tại các khu vực có vĩ độ thấp.
Những yếu tố này đã giúp mở rộng hoạt động trồng cà phê Robusta trong những năm gần đây. Theo ông Shiro Ozawa, trong 4 thập kỉ gần đây, tỷ trọng của cà phê Robusta trong hoạt động canh tác cà phê toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 20% lên 40%, trong khi đó tỷ trọng của cà phê Arabica đã giảm từ 80% xuống 60%.
Song giá cà phê Robusta nhiều khả năng sẽ sớm giảm đi. Việc mở rộng quy mô sản xuất cà phê Robusta nhanh chóng dẫn đến tình trạng dư thừa trên thị trường cà phê thế giới.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2020 - 2021 được dự báo sẽ tăng 5,5% so với năm ngoái, đạt 176,085 triệu bao (một bao là 60 kg). Ngược lại, lượng tiêu thụ dự kiến là 166,284 triệu bao, tăng 1,4% so với cùng kì năm trước. Nếu dự báo là chính xác, lượng sản xuất sẽ vượt quá mức tiêu thụ trong năm thứ ba liên tiếp.
Tổng giám đốc bộ phận đồ uống của Marubeni - một hãng buôn của Nhật Bản, ông Kazuyuki Kajiwara kết luận: "Thị trường sẽ dư thừa sản phẩm trong một hoặc hai năm tới. Nếu giá giảm và vẫn ở mức thấp, một số nông dân trồng cà phê sẽ ngừng sản xuất, đặc biệt là những người trồng hạt Arabica giá cao".
Trí Thức Trẻ