VinaCapital: VN-Index có thể tăng trưởng 24% trong năm 2022, đặt niềm tin vào cổ phiếu ngân hàng và bất động sản
Tuy nhiên, VinaCapital cũng chỉ đưa ra mức dự báo khá khiêm tốn về tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng trong năm 2022, cao nhất chỉ khoảng 25% trong khi mức thấp nhất có thể tăng trưởng âm 13% do có sự khác biệt lớn về tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng
Trong báo cáo mới được công bố, VinaCapital đánh giá rất tích cực về việc chỉ số VN-Index đã tăng trưởng ấn tượng 35,7% trong năm 2021; đồng thời tin tưởng thị trường trong năm 2022 sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư để đạt mức sinh lời tốt hơn đáng kể so với sức tăng của chỉ số chính.
Theo đó, sự thăng hoa của VN-Index trong năm 2021 phần lớn đến từ đà tăng trưởng lợi nhuận rơi vào khoảng 30% bất chấp 2 đợt bùng phát dịch trong năm, giúp P/E cơ bản không thay đổi vào khoảng 17 lần, cho thấy đà tăng bền vững của thị trường. VinaCapital dự phóng xung lực này sẽ tiếp diễn trong năm 2022 với mức tăng của VN-Index có thể đạt 24%.
Dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư cá nhân chảy vào sẽ thúc đẩy thị trường tăng trưởng đáng kể so với năm trước. Hiện lực lượng nhà đầu tư cá nhân đang chiếm khoảng 90% khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán. Quỹ ngoại đánh giá những nhà đầu tư có phương pháp linh hoạt, dự đoán được sự luân chuyển giữa các ngành và tính toán mức tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ có thể đạt được tỷ lệ sinh lời cao hơn cả mức tăng của VN-Index.
Chiến lược đầu tư của VinaCapital vẫn dựa trên việc xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam. Cụ thể, báo cáo lựa chọn nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu, tài chính – ngân hàng, bất động sản và nguyên vật liệu. Ngoài ra, quỹ ngoại này sẽ quan tâm đến các cổ phiếu thuộc lĩnh vực được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và số hóa.
Đặc biệt, VinaCapital cho biết sẽ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khoảng 30%, nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 14% đồng thời các ngân hàng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hơn. Trong đó, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận đồng thời khả lãi suất cho vay khả năng cao sẽ không quá ưu đãi như năm 2021.
Song song với đó, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ thêm khi cơ cấu khoản vay được cải thiện trong khi chi phí cấp vốn thấp hơn. Các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu của Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ bù đắp khoản lỗ cho vay trong 3 năm qua, giúp cải thiện lợi nhuận.
Tuy nhiên, VinaCapital cũng chỉ đưa ra mức dự báo khá khiêm tốn về tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng trong năm 2022, cao nhất chỉ khoảng 25% trong khi mức thấp nhất có thể tăng trưởng âm 13% do có sự khác biệt lớn về tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng. Ngoài ra, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thu nhập cũng như giá cổ phiếu ngân hàng có thể liên quan đến hoạt động bancassurane với công ty bảo hiểm nước ngoài khiến phát sinh chi phí trả trước khá lớn hay câu chuyện riêng về M&A hoặc tái cấu trúc.
Đối với nhóm bất động sản, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp này sẽ tăng gần 25% vào năm 2022 khi doanh số từ việc bán và bán trước các căn hộ mới sẽ tăng gần gấp đôi sau khi đã giảm hơn 50% trong năm 2021. Cụ thể, trong bối cảnh lãi suất tiếp kiệm duy trì thấp, dòng tiền tiếp tục lựa chọn kênh bất động sản qua đó đảm bảo rằng giá bất động sản tiếp tục tăng vào năm 2022. Đồng thời, nhu cầu mua nhà để ở hoặc cho mục đích đầu tư bị dồn nén từ đó sẽ thúc đẩy doanh số bán ra của các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, thu nhập của các công ty có doanh thu định kỳ như môi giới bất động sản hay chủ các trung tâm mua sắm cũng dự kiến sẽ tăng trong năm nay.
Cuối cùng, VinaCapital đánh giá chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trở lại vào năm 2022, đặc biệt là tại các sản phẩm được coi là có lợi cho sức khỏe. Mặt khác, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử, cơ hội cũng rõ ràng hơn đối với nhóm ngành bán lẻ. Tuy nhiên, thu nhập bị ảnh hưởng trong đại dịch khiến nhiều người chuyển qua mua các sản phẩm rẻ hơn do đó một số mặt hàng không thiết yếu hoặc phân khúc cao cấp sẽ khó có khả năng phục hồi về mức trước dịch trong năm 2021.
Câu chuyện Fed tăng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam
VinaCapital đánh giá tích cực về việc tái mở cửa nền kinh tế hậu COVID-19 với sự tăng tốc trong quý 4. Kỳ vọng GDP Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 7% đến 7,5% nhờ tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi, tính riêng trong quý 4/2021 đã tăng gần 30%. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng trong dài hạn và không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ tiếp tục được phát huy bao gồm dòng vốn FDI, tốc độ đô thị hóa, môi trường kinh tế vĩ mô và lạm phát ổn định. Đặc biệt, VinaCapital cho rằng Việt Nam sẽ là một trong số ít những quốc gia thuộc khu vực mới nổi không thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022.
Liên quan đến câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong năm 2022 khiến thị trường mới nổi như Việt Nam bị ảnh hưởng, VinaCapital nhận định Việt Nam có thể hạn chế được những tác động tiêu cực từ các chính sách của Fed nhờ dự trữ ngoại hối đang cao hơn khoảng 10% so với mức khuyến nghị của IMF và nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam dưới 40%/GDP.
Việt Nam đứng gần cuối trong danh sách những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất từ việc FED tăng lãi suất vào năm 2022 (Theo Economist)
Về việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, VinaCapital đánh giá điều này xuất phát từ những lo ngại về dịch bệnh COVID-19 và Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại sẽ có khả năng quay trở lại các thị trường mới nổi và cận biên một khi nhận thấy dấu hiệu có thể giải quyết các vấn đề trên trong năm 2022.