Vinalines mua đắt xin bán rẻ 6 tàu khủng, Bộ GTVT nói gì?
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có câu trả lời trước đề xuất xin bán 6 con tàu với tổng trọng tải gần 250.000 DWT của Vinalines với giá bằng 1/6 thậm chí 1/10 lúc mới mua.
- 09-06-2016Vinalines thanh lý tàu: Mua 378 tỷ, bán hơn 34 tỷ
- 04-06-2016Ụ nổi hơn 500 tỷ của Vinalines, nay bán được 38,5 tỷ đồng
Bán tàu để tái cơ cấu nhưng phải xem xét thật kỹ
Trả lời báo Lao Động về đề xuất xin bán 6 tàu của Vinalines, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng vụ Quản lý DN, bộ GTVT cho biết sau khi xem xét, Bộ GTVT yêu cầu Vinalines rà soát kỹ lưỡng các phương án và lựa chọn phương án tối ưu nhất và trong quá trình thực hiện phải đảm bảo việc công khai minh bạch và hạn chế thấp nhất thiệt hại của vốn nhà nước đã đầu tư vào DN.
Theo ông Minh, việc bán số tàu trên thuộc thẩm quyền quyết định của Vinalines nhưng vẫn yêu cầu Tổng công ty này xem xét các phương án, nếu để lại khai thác thì với diễn biến thị trường hiện này DN sẽ lỗ bao nhiêu trong 3 năm và nếu bán vào thời điểm hiện tại thì mức lỗ là bao nhiêu.
Từ đó, TCT này phải so sánh giữa hai phương án xem phương án nào có lợi hơn thì triển khai và phải đảm bảo triển khai phải đúng quy trình để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về vốn và tài sản nhà nước đã đầu tư.
Theo quy định, về quy mô tài sản, lô tàu này có giá trị dưới 50% vốn điều lệ trong tổng tài sản của Vinalines nên thuộc quyền quyết định của hội đồng thành viên và việc bán đội tàu này là một trong những hoạt động nằm trong đề án tái cơ cấu Vinalines được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.
Hiện nay trong cơ cấu tàu của Vinalines, tàu hàng khô rất nhiều trong khi chỉ số vận chuyển mặt hàng này sụt giảm cực mạnh nên giá cước vận chuyển mặt hàng khô giảm rất lớn nên việc duy trì đội tàu hàng khô nhiều dẫn tới thua lỗ lớn. Việc bán bớt 6 tàu trên nằm trong mục tái cơ cấu đội tàu để trẻ hoá đội tàu, giảm tuổi trung bình của đội tàu. Từ năm 2011 tới nay, đội tàu của Vinalines đã giảm từ 154 tàu xuống còn 102 tàu thông qua việc bán, thu hồi để trả nợ ngân hàng.
Liên quan tới việc mua quá đắt bán quá rẻ số tàu trên, ông Minh cho rằng sự chênh lệch trên là tất yếu bởi vào thời điểm TCT này mua số tàu trên chỉ số cước thị trường hàng rời (BDI) ở mức hơn 11.000 điểm và giá tàu rất cao trong khi hiện nay thị trường vận tải biển đang suy thoái và chỉ số BDI xuống thấp kỷ lục, vào khoảng 400 điểm nên giá tàu sụt giảm mạnh.
Ngoài việc chỉ số BDI giảm tới 96%, số tàu trên còn mất giá thời gian khai thác, chủng loại tàu không còn phù hợp...
Xin bán theo lộ trình và càng để càng lỗ
Nói về đề xuất thanh lý số tàu trên, đại diện Vinalines cho Báo Lao động biết rằng đây mới chỉ là kế hoạch và số tàu trên đều nằm trong đề án tái cơ cấu đội tàu do chính phủ phê duyệt.
Sau khi nhận được sự đồng ý về chủ trương của Bộ GTVT, Vinalines mới tiến hành các bước tiếp theo như định giá, đấu giá. Liên quan tới mức giá được cho là quá thấp so với đầu tư ban đầu, đại diện này cho biết đây là mức ước tính theo thực tế thị trường và giá thực tế được tính vào thời điểm bán.
Trong số 6 tàu xin bán có một số tàu bán để ngân hàng thu hồi nợ do đó kế hoạch bán này đã phải có sự đồng ý của các ngân hàng và quá trình bán tàu sẽ được các chủ nợ này giám sát.
Cũng theo đại diện của Vinalines, việc bán 6 trong tổng số 102 tàu thuộc sở hữu của các DN thuộc Vinalines là chuyện bình thường để "thay máu" cho đội tàu cũng như "cắt lỗ" do những tàu này hoặc đã quá tuổi hoặc không còn phù hợp với thị trường mà TCT này khai thác.
Đại diện này cũng thừa nhận việc bán số tàu trên là bán lỗ nhưng đó là điều không tránh khỏi trong bối cảnh thị trường vận tải biển suy thoái hiện nay và nếu càng để lại hoạt động mức lỗ sẽ càng lớn.
Trong số 6 tàu xin bán đáng chú ý có hai con tàu Vinalines Global và Vinalines Trader với trọng tải lên tới 70.000 DWT/chiếc. Hai tàu này đều chở hàng khô và là tàu già với tuổi đời lên đến 20 năm. Trẻ nhất trong đó là tàu Vinalines Ruby được Vinashin đóng vào năm 2012.
Vinalines Ruby được đưa vào danh mục thanh lý vì có mớn nước lớn (hơn 10m) nên không thể đem vào hoạt động được trên các tuyến nội địa, trong khi giá cho thuê trên thị trường quốc tế đã giảm đi chóng mặt.
Cả 6 tàu đều được ước tính bán với mức cực thấp so với số tiền đầu tư ban đầu. Chẳng hạn Vinalines Fortuna trọng tải 26.369 DWT được chi nhánh TP.HCM mua năm 2009 với giá gần 20,7 triệu USD (tương đương thời giá lúc đó là 341,5 tỉ đồng) và nay có giá trị dự kiến chỉ 34,9 tỉ đồng (chưa trừ chi phí môi giới).
Tương tự, tàu Vinalines Star trọng tải trên 26.000 DWT cũng có mức giá dự kiến chỉ 34,4 tỉ đồng trong khi giá mua năm 2009 là giá 22,9 triệu USD (378 tỉ đồng).
Dù giá bán dự đoán cực thấp, các đơn vị thành viên trực tiếp quản lý tàu lẫn công ty mẹ Vinalines đều đặt mục tiêu bán càng nhanh càng tốt vì càng để càng lỗ. Theo Vinalines, tàu Vinalines Ruby trong ba năm gần đây có kết quả kinh doanh lỗ tới 123,6 tỉ đồng, mức giá thuê định hạn hiện ở mức 6.650 USD/ngày, giảm tới 42% so với giá cho thuê từ tháng 8.2015 - 1.2016.
Tương tự, tàu Vinalines Ocean lỗ gần 223,5 tỉ đồng trong giai đoạn 2012 - 2015.
Việc bán sớm số tàu trên ngay trong tháng 6.2016 được cho là sẽ giúp các đơn vị giảm thiệt hại cũng như giảm áp lực tài chính đồng thời tập trung dòng tiền vào khai thác các tàu trẻ hơn, có khả năng sinh lời.
Trong cơ cấu đội tàu của Vinalines, số tàu già vẫn chiếm tỷ lệ lớn khi có 20% là tàu trên 20 tuổi và số tàu từ 15 năm trở lên khoảng 42%.
Lao Động