MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines “vẽ” bức tranh sau cổ phần hóa

07-02-2019 - 16:46 PM | Doanh nghiệp

Năm 2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt ra chiến lược thay đổi toàn diện từ mô hình quản trị đến cách thức sản xuất kinh doanh...

Tăng trưởng mạnh

Năm 2018, sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, TCT Hàng hải VN (Vinalines) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Từ một doanh nghiệp (DN) chạm đáy thua lỗ với số nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có lãi.

Năm 2019, Tổng công ty Hàng hải VN - CTCP (VIMC) đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt khoảng 18 triệu tấn, hàng thông qua cảng khoảng 107 triệu tấn, doanh thu khoảng 12.714 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Vinalines cho biết, năm vừa qua, khối cảng biển thuộc Vinalines tiếp tục đạt hiệu quả cao với sản lượng hàng thông qua đạt 97,8 triệu tấn, tăng 10,7% so với năm 2017. "Vận tải biển dù đang gặp nhiều khó khăn song khối lượng vận tải do đội tàu Vinalines đảm nhiệm vẫn tăng 13,1% so với kế hoạch, đạt 24,3 triệu tấn, giảm lỗ đến 70%. Khối các DN vận tải biển đã giảm lỗ mạnh, từ lỗ kế hoạch trên 1.000 tỷ đồng, xuống 200 tỷ đồng", ông Tĩnh nói và cho biết, với sự tăng trưởng đó, năm 2018, Vinalines đạt tổng doanh thu gần 13.900 tỷ đồng (tăng 1,9% so với kế hoạch) và tổng lợi nhuận đạt 244 tỷ đồng.

Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines, năm 2018, trải qua quá trình tái cơ cấu tài chính toàn diện, sử dụng nhiều giải pháp tài chính linh hoạt, số nợ của TCT đã giảm mạnh khoảng 70%, từ hơn 67.500 tỷ đồng thời điểm trước tái cơ cấu xuống còn hơn 20.400 tỷ đồng (30/6/2018). "Dư nợ vay của Công ty mẹ - TCT xóa được 9.000 tỷ đồng, từ hơn 11.400 tỷ đồng trước thời điểm tái cơ cấu xuống còn hơn 2.400 tỷ đồng", ông Hải thông tin.

Sự kiện đáng chú ý nhất của TCT Hàng hải VN trong năm 2018 là việc đơn vị này tiến hành cổ phần hóa thành công với hơn 5 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư đăng ký mua trong phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines cho rằng, tỷ lệ cổ phần bán ra tuy chưa phải ở mức cao nhưng nó sẽ tạo ra một bước ngoặt mới cho TCT với mô hình quản trị linh hoạt hơn.

Ông Sơn cũng cho biết, dù sang đầu năm 2019, TCT Hàng hải VN mới tiến hành Đại hội cổ đông, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP song những chiến lược trong hoạt động quản trị và sản xuất kinh doanh đã được đơn vị xây dựng và hiện thực hóa. Cụ thể, nhằm tối ưu hiệu quả của đội tàu vận tải biển, TCT đã cho ra đời trung tâm khai thác tàu container, hình thành một hệ thống khai thác chắt lọc những điểm mạnh từ hai hệ thống hiện có của Công ty Vận tải container Vinalines (VCSC) và Công ty Vận tải Biển Đông thiết lập được từ nhiều năm qua.

"Mỗi DN có một thế mạnh riêng và khi hợp nhất thành một đầu mối sẽ giúp TCT duy trì thị phần, linh hoạt bố trí lịch tàu, hiệu suất khai thác các tàu sẽ đạt mức cao nhất", ông Sơn nói.

"Vinalines cũng nhanh chóng thay đổi theo hướng tự động hóa bằng việc đưa vào khai thác dự án kho dữ liệu và báo cáo thống kê MIS-BI để phục vụ công tác quản trị và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, thay thế hạ tầng CNTT thô sơ hiện tại. Thay vì phải cập nhật dữ liệu những con số hàng tháng trên giấy, các chỉ số của DN cảng, vận tải biển thuộc Vinalines sẽ được tự động cập nhật hàng ngày. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ có những cập nhật và chỉ đạo kịp thời để nâng cao hiệu quả", ông Sơn chia sẻ thêm.

Tận dụng nội lực, thay đổi biểu tượng

Dự kiến, ngay trong quý 1/2019, Công ty mẹ - TCT Hàng hải VN sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP dưới thương hiệu VIMC.

Chia sẻ về những bước đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, giai đoạn sau cổ phần hóa, TCT sẽ tập trung mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ chuỗi, hợp đồng dài hạn (COA), làm việc với các hãng tàu lớn, mainlines để đưa tàu, hàng hóa xuất nhập khẩu về các DN của TCT.

"Bản thân đội tàu của TCT cũng sẽ cải thiện, những tàu cũ, hoạt động kém hiệu quả còn sót lại sẽ được thanh lý triệt để. Phân khúc tàu chuyên dụng như: container, tàu vận tải than khối lượng lớn sẽ được đầu tư. Đặc biệt, các tuyến vận tải chuyên môn hóa dưới thương hiệu chung: Shipping Lines và Container Lines sẽ được hình thành kết hợp với thuê mua một số tàu thuộc các size phổ biến khai thác đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Tĩnh chia sẻ.

Cũng theo ông Tĩnh, thời gian tới, Vinalines sẽ đẩy mạnh thực hiện tham gia đấu thầu công tác vận chuyển. Vinalines sẽ đấu thầu các lô hàng lớn như: Than, quặng hoặc các nguyên vật liệu cho các khu công nghiệp hoặc nhà máy lớn. Việc vận chuyển được thực hiện trọn gói, bao gồm: Dịch vụ cảng, dịch vụ tàu, dịch vụ logistics.

Chủ tịch Vinalines Lê Anh Sơn cho biết, trong xu thế vận tải biển vẫn chưa "thoát khó", hoạt động kinh doanh của Vinalines vẫn tập trung vào thế "kiềng 3 chân": Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải nhưng hai mảng cảng biển và dịch vụ hàng hải sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, lĩnh vực cảng biển thiên về hướng phát triển những cảng trung chuyển, cảng cửa ngõ quốc tế như: Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và việc đầu tư các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).

"Cảng nước sâu hay cảng trung chuyển quốc tế đòi hỏi suất đầu tư rất lớn nhưng có công nghệ khai thác lớn. Với nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng, xu hướng của vận tải biển quốc tế là chuyển sang những con tàu có kích cỡ lớn. Để đón được những con tàu "khủng" các tuyến liên lục địa, chạy thẳng sang Mỹ hoặc châu Âu, việc đầu tư các cảng lớn là rất cần thiết và phù hợp với sự phát triển của ngành hàng hải thế giới", ông Sơn nói.

Ông Lê Anh Sơn cũng cho rằng, trên hành trình phát triển của một DN, chiến lược kinh doanh sẽ thiếu hiệu quả nếu không có được cách thức quản trị hiện đại và đội ngũ nhân viên trình độ, sáng tạo. "Đó là lý do năm 2019, TCT sẽ chú trọng đầu tư chuẩn hóa quy trình quản lý và tạo những chính sách đãi ngộ xứng đáng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để TCT Hàng hải VN thực sự mạnh mẽ từ nội lực, để sự chuyển giao giữa hai cái tên Vinalines và VIMC không chỉ là thay đổi biểu tượng mà đó phải là biểu tượng của một sự thay đổi", ông Sơn nói.

Theo Nam Khánh

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên