Vinamilk (VNM) lãi sau thuế 2.862 tỷ đồng trong quý 2, nâng tổng lãi 6 tháng lên gần 5.460 tỷ đồng
Doanh thu bán hàng ở thị trường nước ngoài trong 6 tháng đầu năm tăng gần 7% so với cùng kỳ.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán VNM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó tính riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 15.716 tỷ đồng, tăng 1,4% so với doanh thu 15.495 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất công ty đạt được theo quý. Trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp quý 2 đạt 6.854 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng giảm 197 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống còn 3.185 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15 tỷ đồng, lên mức 389 tỷ đồng.
Kết quả, Vinamilk lãi trước thuế 3.494 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 7,2% xuống còn 2.862 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc chủ sở hữu của công ty đạt 2.835 tỷ đồng. EPS đạt 1.212 đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần Vinamilk đạt 28.906 tỷ đồng, giảm 2,5% so với nửa đầu năm ngoái, trong đó doanh thu bán hàng trong nước đạt 24.430 tỷ đồng (giảm 4%) còn doanh thu bán hàng ở các nước khác đạt 4.476 tỷ đồng (tăng 6,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận gộp từ mảng bán hàng nước ngoài đạt hơn 2.008 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng lợi nhuận gộp trong kỳ. Mảng bán hàng trong nước đóng góp hơn 10.600 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Vinamilk cho biết mức sụt giảm này chủ yếu do mức tăng của chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Công ty đã đàm phán các hợp đồng mua nguyên liệu với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung ổn định nhằm ổn định chi phí sản xuất và chốt giá một số nguyên liệu đến hết năm 2021.
Thị trường Trung Đông tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong mảng xuất khẩu của công ty và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó các hợp đồng từ thị trường khác như Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi về nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra công ty còn nhận được đơn đặt hàng số lượng lớn từ các thị trường lớn nước ngoài.
Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 577 tỷ đồng, giảm 43 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm được 75 tỷ đồng, xuống còn hơn 48 tỷ đồng. BCTC ghi nhận tính đến hết quý 2/2021 Vinamilk còn gần 20.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, tăng khoảng 2.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra công ty còn khoản tiền gửi tại ngân hàng trong khoản tiền và tương đương tiền, giá trị 1.258 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng 5.771 tỷ đồng, giảm mạnh 616 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ giảm được khoản chi phí khuyến mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng. Chi phí quảng cáo trong kỳ cũng giảm được 21 tỷ đồng trong khi chi phí vận chuyển tăng 48 tỷ đồng so với cùng kỳ.BCTC cũng ghi nhận lượng hàng tồn kho đến hết quý 2 đạt 6.842 tỷ đồng, tăng 1.937 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tính chung Vinamilk báo lãi trước thuế 6.648 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.459 tỷ đồng, giảm 6,9% so với lợi nhuận đạt được nửa đầu năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ở nhiều thị trường, Vinamilk vẫn linh hoạt đáp ứng các đơn hàng với nhiều yêu cầu đa dạng. Công ty đang tích cực thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thương mại và xúc tiến thương mại hiệu quả nhằm đẩy mạnh doanh số xuất khẩu.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- PVS điều chỉnh giảm 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau soát xét
- Vinaconex (VCG) điều chỉnh giảm hơn 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau soát xét
- Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp biến động mạnh sau soát xét bán niên 2021
- Petrolimex (PLX) điều chỉnh tăng 99 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau soát xét
- Bất chấp việc kinh doanh có lãi, kiểm toán vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của OGC