MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vingroup, Viettel, FPT… thu về những khoản lợi 'khổng lồ' nào từ chuyển đổi số?

Vingroup, Viettel, FPT… thu về những khoản lợi 'khổng lồ' nào từ chuyển đổi số?

Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á. Vậy các tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Viettel, FPT... đã thu được gì từ công cuộc chuyển đổi số này?

Việt Nam đang ở đâu trong công cuộc chuyển đổi số?

Kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu

Ngày 11/11/2021, tại hội thảo "Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu, theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015, và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.

Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực, tính từ năm 2015 đến nay. Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực.

Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD. Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet; với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018, và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019.

Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như: Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek, Lazada, Shopee...

Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử như: Tiki, Sendo, Thegioididong, Dienmayxanh, FPTshop. Nổi bật trong lĩnh vực xuất bản có nền tảng Waka của Vega Corporation, lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng có các nền tảng Smartlog, BKAV VALA,... Nền tảng thanh toán có Momo, VNpay,... Nền tảng quản trị doanh nghiệp có Misa, 1Office, MVs Security Box, Cystack,... Khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao.

Đề xuất cho kinh tế số tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho rằng, nếu nhìn vào các yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số, thị trường Việt Nam có tất cả các yếu tố đó, để luôn sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi. Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của chuyển đổi số qua 2 năm qua, Giám đốc điều hành Grab đưa ra 3 đề xuất như sau:

Thứ nhất, hiện tại việc phát triển các nền tảng số, và mô hình kinh doanh của Việt Nam đang rầm rộ, và không thua kém gì với các nước trong khu vực cả, tuy nhiên về khung pháp lý, nước ta vẫn còn dùng những khung có độ trễ nhất định, có thể là trễ 5 – 10 năm so với các nước khác, dẫn đến quy định chồng chéo làm cho tiến độ chuyển đổi bị "mắc kẹt".

Vì vậy, cần có khung pháp lý riêng dành cho các nền tảng số, các mô hình kinh tế chia sẻ trên nền tảng số,...

Thứ hai, khuyến khích tinh thần sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số bằng việc đầu tư vào giáo dục, thúc đẩy các Startup,…

Thứ ba, đi cùng với chuyển đổi số thì thanh toán không dùng tiền mặt là điều tất yếu, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thanh toán, hướng đến tài chính toàn diện cho người dân.

Các "ông lớn" thu được gì từ chuyển đổi số?

Vingroup

Tại hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với tham luận "Chuyển đổi số để phát triển với doanh nghiệp du lịch", ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ, quá trình chuyển đổi số là một trong những động thái quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch.

Lấy dẫn chứng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, quá trình chuyển đổi số toàn diện về kinh doanh, vận hàng… giúp Vinpearl đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến, và đạt mức tăng trưởng 300% trong năm 2020, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng 300% trong năm 2021. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh, giúp Vinpearl Travel đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu có thể lên đến 4 tỷ đồng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, tại đại hội cổ đông thường niên tổng kết tình hình kinh doanh năm 2019, và thông qua kế hoạch năm 2020, theo Ban giám đốc Tập đoàn Vingroup, với hệ sinh thái số, chỉ sau một thời gian ngắn, VinID đã đạt 9 triệu khách hàng thân thiết, giữ vị trí số 1 trong nhóm ứng dụng phong cách sống được sử dụng nhiều nhất trên App store.

Đặc biệt, vào tháng 9/2021, Tập đoàn Vingroup và Google Cloud (Mỹ) đã ký kết triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thúc đẩy áp dụng điện toán đám mây trên nền tảng Google Cloud, và nghiên cứu tiềm năng ứng dụng các công nghệ dựa trên điện toán đám mây như máy học, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu thông minh trong các lĩnh vực kinh doanh đa dạng của tập đoàn Vingroup.

Viettel

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị, Viettel hoàn thành các mục tiêu trong 6 tháng đầu năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Viettel đạt 128.600 tỷ, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 19.000 tỷ, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh, Viettel tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong trong công tác quản trị cũng như ứng dụng triệt để công nghệ để thúc đẩy kinh doanh trên các lĩnh vực như: logistics, giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, viễn thông,…

Ngoài ra, đầu tháng 7/2021, Viettel đã đưa vào vận hành Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày. Và thực hiện kết nối gần 7.500 camera giám sát tại các khu vực cách ly.

Trước đó, Viettel cũng triển khai nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch như: hệ thống khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, tờ khai y tế điện tử - Vietnam Health Declaration, hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm toàn quốc, hệ thống kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc...

FPT

Tập đoàn FPT từng công bố, 6 tháng đầu năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu 16.228 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.936 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,2% và 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả doanh thu và lợi nhuận của FPT đều duy trì mức tăng trưởng hai con số, với động lực chính tới từ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ,4 và cải thiện biên lợi nhuận tại mảng viễn thông.

Trong đó, doanh thu chuyển đổi số đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 19,3% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong nửa đầu 2021, FPT cũng ghi dấu ấn đặc biệt khi thực hiện thương vụ rót vốn chiến lược vào Base.vn. Việc FPT bắt tay Base được cho là sẽ cộng hưởng sức mạnh để thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ chuyển đổi số toàn diện cho hơn 800.000 doanh nghiệp Việt Nam.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên