MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vĩnh Hoàn và Hùng Vương rộng đường xuất khẩu qua Mỹ

25-09-2018 - 13:51 PM | Doanh nghiệp

Nếu thuế chống bán phá giá không thay đổi trong kết quả cuối cùng của POR14 (có hiệu lực từ tháng 4/2019), sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ dự kiến ​​sẽ cải thiện trong năm 2019, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn sẽ là 2 công ty nổi bật hưởng lợi thuế suất bằng không từ quy định này.

Chiến tranh thương mại dự thúc đẩy thêm 5,2% thị phần cá tra Việt Nam tại Mỹ

Những ngày gần đây, thị trường cá tra Việt Nam liên tiếp đón tin vui. Điển hình, Cục an toàn thực phẩm và dịch vụ giám định (FSIS) thuộc Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) chính thức hoàn thành việc kiểm tra hôm 14/9 và công bố các loại cá da trơn tại Việt Nam, trong đó có cá tra, là hoàn toàn tương đương với các loại cá da trơn hiện đang sử dụng tại Mỹ.

Cùng với công bố trên, Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đã hội đủ các điều kiện để tiếp tục nhập khẩu cá da trơn vào thị trường Mỹ, trong khi đó, 11 quốc gia khác đã không hội đủ điều kiện (Guyana, Nigeria, Pakistan, Myanmar, Bangladesh, El Salvador, Cộng Hòa Dominica, Brazil, Canada, Mexico và Gambia).

Như vậy, có thể thấy rằng tiềm năng to lớn đối với ngành cá tra Việt Nam khi Việt Nam chiếm 94,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cá tra của Mỹ trong năm 2017 với 105.081 tấn; trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 5,2% và Thái Lan chỉ xuất vài ngàn kilogam (0,01%).

Chưa hết, với tình hình căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay và khả năng áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao gồm cá và hải sản như cá da trơn và tôm, đây sẽ là cơ hội tốt đối với thị trường cá tra Việt Nam, giúp Việt Nam có thể giành lợi thế và tăng thêm 5,2% thị phần tại thị trường Mỹ, Chứng khoán ACB (ACBS) khẳng định.

Thực tế, trị giá xuất khẩu trong tháng 8 của ngành cá tra Việt Nam là 861 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đầu năm nay đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng thời gian năm 2017. Hàng thủy sản trong 8 tháng tính từ đầu năm 2018 chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường: EU (28 nước) với 985 triệu USD, tăng 11,8%; Hoa Kỳ: 983 triệu USD; tăng 7,4%; Nhật Bản: 869 triệu USD, tăng 5%; Trung Quốc: 639 triệu USD, giảm 4,2%… so với một năm trước đó.

Vĩnh Hoàn (VHC), Hùng Vương (HVG) hưởng lợi lớn

Mặt khác, vào ngày 13/9/2018, với kết quả sơ bộ cho đợt xét POR 14 mới nhất cho khoảng thời gian từ 1/8/2016-31/7/2017, USDA đã hạ mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra Việt Nam từ 3,87 USD/kg xuống còn 0,41 USD/kg đối với một số doanh nghiệp như C.P Việt Nam, Cửu Long.

Cùng với đó, Hùng Vương (HVG) được hưởng mức thuế 0% từ mức 3,87 USD/kg trong đợt POR 13. Vĩnh Hoàn (VHC) cũng tiếp tục không thuộc diện các doanh nghiệp bị xét trong đợt POR 14 và tiếp tục được hưởng mức thuế 0%. Thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam vẫn không đổi là 2,39 USD/kg. Kết quả cuối cùng cho POR 14 sẽ được công bố vào tháng 1/2019.

Đi cùng với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu của hai doanh nghiệp đi đầu ngành là HVG và VHC bắt đầu chuỗi ngày thăng hoa.

Giá cổ phiếu VHC đã tăng 11% kể từ phiên 10/9, đạt 94.800 đồng/cp, tương đương với mức PE năm 2018 là 11,5x và mức PB 2018 là 2,4x.

Vĩnh Hoàn và Hùng Vương rộng đường xuất khẩu qua Mỹ - Ảnh 1.

Giao dịch cp VHC 6 tháng qua.

Trong tháng 8, doanh thu xuất khẩu Vĩnh Hoàn đạt 41 triệu USD, mức kỷ lục mới về doanh thu tháng (kỷ lục cũng thuộc tháng 7/2018 với mức doanh thu 37 triệu USD). So với kết quả đạt được tháng 8/2017 thì giá trị xuất khẩu của tháng 8/2018 tăng tới 85%. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ (YoY) rất ấn tượng của Vĩnh Hoàn có được là nhờ khối lượng xuất khẩu tăng tới 27% so với cùng kỳ và giá bán vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, cá tra Fillet tăng gần gấp đôi, thịt cá và dầu cá tăng 73%, collagen và gelatin tăng 174% so với cùng kỳ năm trước.

Hay tại Hùng Vương, "ông vua" một thời sau cơn bĩ cực đã bắt đầu thấy ánh sáng ngày thái lai, dòng tiền trở lại với cổ phiếu. Mặc dù vùng giá vẫn còn dưới mệnh, tuy nhiên mức tăng hơn 2,5 lần cùng nhiều phiên kịch trần liên tục là những thành tích "đáng khen" cho đơn vị này. Hiện, cổ phiếu HVG của đại gia Dương Ngọc Minh đang giao dịch tại vùng 5.260 đồng/cp, tức tăng bằng lần chỉ sau 2 tháng, thanh khoản cải thiện đáng kể.

Vĩnh Hoàn và Hùng Vương rộng đường xuất khẩu qua Mỹ - Ảnh 2.

Giao dịch cp HVG 6 tháng qua.

SSI Research mới đây cũng đưa ra nhận định, nếu thuế chống bán phá giá không thay đổi trong kết quả cuối cùng của POR14 (có hiệu lực từ tháng 4/2019), sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ dự kiến ​​sẽ cải thiện trong năm 2019, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn sẽ là 2 công ty nổi bật hưởng lợi thuế suất bằng không từ quy định này.

Theo đơn vị phân tích này, nửa đầu năm nay, giá bán trung bình cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tăng 37,8% so với cùng kỳ 2017, ở mức 4,25 USD trong bối cảnh thiếu nguyên liệu cá tra tại Việt Nam, thuế chống bán phá giá cao và các nguy cơ tiềm ẩn từ đạo luật Farm Bill.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên