MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index giảm sâu trong 2 tháng đầu năm, thiết lập hàng loạt "kỷ lục" buồn

Việc VN-Index giảm sâu trong tháng 2 vừa qua cũng đánh dấu một kỷ lục buồn khi chỉ số này giảm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm. Lần gần nhất VN-Index giảm điểm trong 2 tháng đầu năm đã diễn ra vào năm 2009.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 2 (28/2), chỉ số VN-Index dừng tại 882,19 điểm, giảm 5,81% so với tháng trước đó. Mức giảm trong tháng 2 vừa qua được ghi nhận là mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ tháng 10/2018 tới nay (VN-Index giảm 10,06% trong tháng 10/2018).

Với tháng giảm điểm vừa qua, VN-Index cũng ghi nhận chuỗi 4 tháng giảm liên tiếp, kéo dài từ tháng 11/2019 tới nay. Lần gần nhất VN-Index giảm 4 tháng liên tiếp là từ tháng 4/2018 tới tháng 7/2018 khi chỉ số này "rơi" từ vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm xuống vùng 890 điểm.

Không những vậy, việc VN-Index giảm sâu trong tháng 2 vừa qua cũng đánh dấu một kỷ lục buồn khi chỉ số này giảm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm. Lần gần nhất VN-Index giảm điểm trong 2 tháng đầu năm đã diễn ra vào năm 2009.

Thống kê cho thấy xác suất chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong 2 tháng đầu năm rất cao. Do đó, việc VN-Index giảm sâu 2 tháng đầu năm là điều có phần bất ngờ với đa số nhà đầu tư.

VN-Index giảm sâu trong 2 tháng đầu năm, thiết lập hàng loạt kỷ lục buồn - Ảnh 1.

Việc chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong 2 tháng đầu năm có nguyên nhân không nhỏ từ các yếu tố khách quan khi căng thẳng chính trị giữa Mỹ - Iran gia tăng và đặc biệt đến từ sự bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng là yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường. Dữ liệu từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE) cho biết khối ngoại bán ròng 762 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm. Nếu loại đi giao dịch thỏa thuận đột biến tại một số cổ phiếu như PGD (1.000 tỷ đồng), MWG (600 tỷ đồng) thì thực chất khối ngoại bán ròng khoảng 2.300 tỷ đồng từ đầu năm tới nay. Tính riêng tháng 2 vừa qua, khối ngoại bán ròng hơn 2.700 tỷ đồng trên HoSE.

Dù vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, diễn biến thị trường có thể sẽ tích cực hơn trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Và như thường lệ, thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ánh các chính sách này trong mô hình phục hồi chữ V, có thể xảy ra vào tháng 3 trong kịch bản tốt nhất.

Về mặt kỹ thuật VN-Index hiện đang ở vùng hỗ trợ "cứng" 860 -890 điểm được thiết lập qua các đáy tháng 7/2018, tháng 10/2018 và tháng 1/2019. Do đó, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ xuất hiện cầu bắt đáy tăng mạnh tại vùng hỗ trợ hiện nay. Ngoài ra, mức giảm sâu của VN-Index thời gian qua đã kéo P/E của chỉ số này xuống còn 13,3, tương đương giai đoạn VN-Index đạt 620 điểm vào đầu năm 2016. Mức định giá thấp của thị trường hiện nay cũng được kỳ vọng giúp thu hút dòng tiền trở lại.

VN-Index giảm sâu trong 2 tháng đầu năm, thiết lập hàng loạt kỷ lục buồn - Ảnh 2.

VN-Index đang ở trong vùng hỗ trợ "cứng"

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên