VN-Index mất hơn 3%, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày Thứ Hai cuối cùng của năm
Mức giảm 3,44% đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 26/12. Đây đã là phiên thứ 15 VN-Index giảm trên 3% từ đầu năm 2022.
Thị trường chứng khoán vừa khép lại ngày thứ Hai cuối cùng của năm 2022 đầy giông bão. Sắc đỏ bao trùm thị trường, thậm chí hàng loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản, thép,... còn giảm kịch sàn.
VN-Index một lần nữa thủng mốc 1.000 điểm và đóng cửa thấp nhất phiên với mức giảm 35,13 điểm (-3,44%). Vốn hóa HoSE cũng theo đó bị thổi bay gần 140.000 tỷ đồng (~6 tỷ USD), xuống còn 3,93 triệu tỷ đồng. Mức giảm 3,44% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 26/12 .
“Chiến tích” này vốn không còn xa lạ với nhà đầu tư bởi trong suốt năm vừa qua, VN-Index đã có quá nhiều lần giảm mạnh nhất thế giới. Thời điểm xuống đáy 2 năm hồi giữa tháng 11, chỉ số này thậm chí còn dẫn đầu tất cả các bảng xếp hạng giảm mạnh nhất thế giới trong toàn bộ các khung thời gian phổ biến như ngày, tuần, tháng, 3 tháng, 6 tháng, từ đầu năm và một năm.
Nhìn chung 2022 là một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán. Tính từ đầu năm, VN-Index đã có 39 lần tăng/giảm từ 2% trở lên, nhiều nhất trong vòng 13 năm kể từ năm 2009 . Thậm chí, nhiều phiên giao dịch chỉ số còn có biên độ dao động lên đến hơn 70 điểm (khoảng 5-7%) cùng với hàng loạt cổ phiếu “đảo như rang lạc” từ trần xuống sàn và ngược lại. Điều này phần nào phản ánh tính đầu cơ rất cao của chứng khoán Việt Nam.
Tính đầu cơ cao dẫn đến khiến những phiên giảm điểm trở nên khốc liệt hơn. Trong số 20 phiên VN-Index biến động trên 3% từ đầu năm, 3/4 nghiêng về chiều giảm điểm. Một sự trùng hợp đáng chú ý là rất nhiều phiên giảm mạnh của thị trường lại rơi vào ngày thứ Hai đầu tuần. Theo thống kê, VN-Index đã giảm điểm trong 34/51 ngày thứ Hai của năm 2022 . Trong đó, mức giảm trên 30 điểm rất phổ biến, thậm chí có những phiến con số này lên đến hơn 60 điểm.
Nguyên nhân thị trường biến động mạnh vào phiên giao dịch đầu tuần sở dĩ bởi các thông tin xấu về doanh nghiệp, về thị trường thường được công bố sau giờ giao dịch của ngày thứ sáu. Theo một số chuyên gia, thông tin xấu thường xuất hiện vào ngày cuối tuần khiến nhà đầu tư có thêm thời gian suy nghĩ kỹ về những tác động của thông tin.
Nhà đầu tư thường đưa ra quyết định vào thứ hai thay vì hành động vội vàng trong giờ giao dịch. Chính bởi tin xấu thường xuất hiện vào cuối tuần tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Do đó, hiệu ứng cuối tuần của tin xấu đôi khi càng tạo hiệu ứng xấu hơn vào thứ Hai, lúc đó sẽ có các phiên giảm mạnh.
Tuần cuối năm liệu có suôn sẻ?
Phiên thứ Hai đầu tuần đầy giông bão hứa hẹn một diễn biến khó lường cho tuần cuối cùng của năm dương lịch. Tuy nhiên, một số thống kê trong quá khứ có thể khiến nhà đầu tư phần nào bớt lo lắng.
Trong 10 năm qua, VN-Index ghi nhận 7 lần tăng giá trong tuần giao dịch cuối năm với mức tăng bình quân 2,3% . Khối ngoại đã thực hiện mua ròng trong 9 năm (ngoại trừ 2020) với giá trị bình quân gần 600 tỷ đồng. Do đó, Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đánh giá kỳ vọng hiệu ứng này có thể quay trở lại trong năm nay và dự phóng chỉ số tăng điểm trong tuần này, hướng tới vùng 1.040-1.050 điểm.
Mặt khác, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDirect nhận định dòng tiền có thể tiếp tục co hẹp trước kỳ nghỉ lễ khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu. Trong khi vốn ngoại cũng có thể sụt giảm khi bước vào tuần nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
Tương tự, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS cho rằng áp lực điều chỉnh sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch trước Tết Dương lịch. “Những nhóm cổ phiếu đầu ngành thường sẽ giao dịch sôi động hơn trong giai đoạn này, song cơ hội không thực sự rõ ràng và thị trường cần thêm thời gian điều chỉnh, tích lũy. Nhà đầu tư có thể quan sát thêm và chờ đợi tín hiệu rõ nét hơn bởi thị trường đang cận kề dịp lễ nên dòng tiền đang bị thu hẹp” , ông Khánh nói.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu Chứng khoán MBS nhận định thanh khoản mang tính chất mùa vụ và thị trường thường sẽ có những nhịp rung lắc trước các nghỉ lễ kéo dài. Dài hạn hơn, vị chuyên gia này cho rằng với xu hướng dòng tiền giảm sút, vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index sẽ là 1.000 điểm và thị trường sẽ hồi phục tích cực từ nửa cuối năm 2023.
Nhịp Sống Thị Trường