VN-Index tăng mạnh nhất lịch sử, chứng khoán Việt Nam tốt nhất Châu Á trong phiên 17/5
VN-Index tăng mạnh nhất Châu Á phiên 17/5
Theo số liệu từ Algoplatform, ngay cả khi tăng kỷ lục phiên 17/5, P/E trailing của VN-Index cũng chỉ ở mức 13,18 lần, thấp hơn rất nhiều so với trung bình 5 năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đầy cảm xúc khi VN-Index lội ngược dòng ngoạn mục để đóng cửa với mức tăng kỷ lục trong lịch sử 56,42 điểm qua đó giúp HoSE lấy lại 223.800 tỷ vốn hóa (~9,7 tỷ USD).
Xét về mặt tương đối, mức tăng 4,81% cũng là con số cao nhất VN-Index đạt được trong vòng hơn 25 tháng qua kể từ ngày 6/4/2020, đồng thời đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất Châu Á trong phiên 17/5.
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới phiên 17/5
Không chỉ về mặt điểm số, thị trường tăng điểm đầy hưng phấn với sắc xanh (871 mã), tím (216 mã) tràn ngập như một cơn mưa rào giữa ngày nắng hạn giúp cởi bỏ tâm lý chán nản nặng nề của nhà đầu tư thời gian gần đây. Sau thời gian dần quen với thống kê cổ phiếu giảm sàn gần đây, nhà đầu tư có lẽ khó nhớ chính xác lần gần nhất thị trường có hơn 200 mã tăng trần là khi nào.
Thực tế, một phiên tăng điểm chưa thể đưa thị trường thoát ra khỏi xu hướng giảm nhưng đủ để mở ra kỳ vọng đảo chiều thời gian tới khi lực bán gần như đã cạn kiệt còn cầu bắt đáy được xúc tác mạnh bởi định giá hấp dẫn. Theo số liệu từ Algoplatform, ngay cả khi tăng kỷ lục phiên 17/5, P/E trailing của thị trường cũng chỉ ở mức 13,18 lần, thấp hơn rất nhiều so với trung bình 5 năm (16,3x) và trung bình 10 năm (14,5x).
P/E VN-Index vẫn còn rất "rẻ"
Trong khi đa số các thị trường trong khu vực đang chịu áp lực rút ròng, khối ngoại lại mạnh tay mua ròng thời gian qua phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Tính từ đầu tháng 4, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng đến 5.700 tỷ đồng trong đó đóng góp chủ yếu đến từ các quỹ ETF như DCVFM VNDiamond ETF và Fubon Vietnam ETF với khả năng hút vốn rất mạnh từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
Dragon Capital cũng có cùng quan điểm tích cực về triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Theo quỹ ngoại này, mức định giá hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên hấp dẫn nổi bật khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Dù vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng.
Bên cạnh giá cổ phiếu "mềm" đi, một yếu tố quan trọng khiến đinh giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn chính là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Theo thống kê từ VNDirect, lợi nhuận ròng quý 1/2022 của 1089 công ty niêm yết trên ba sàn (chiếm 94,3% giá trị vốn hóa thị trường) ghi nhận mức tăng mạnh 33,2% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng trưởng 14,4% trong quý 4/2021.
Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng hơn 33% trong quý đầu năm
Về tình hình vĩ mô, Dragon Capital đánh giá các diễn biến bất ổn trong thời gian gần đây dường như đang gây ra sự đảo ngược của xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Việt Nam có một vị trị địa lý rất thuận lợi khi là cầu nối giữa hai khu vực kinh tế đông dân và năng động, đó là Trung Quốc và Đông Nam Á.
Điều này cùng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua sẽ giúp cho Việt Nam có lợi thế thu hút chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong xu hướng khu vực hóa kinh tế. Nếu lợi thế này được tận dụng thành công, Dragon Capital tin rằng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được động lực tăng trưởng 6,5-7% và sự ổn định trong vòng 4 năm tới.