MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới

VNDIRECT nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng lại “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.

Theo báo cáo cập nhật vĩ mô của VNDIRECT mới công bố, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong Q4/21. Theo TCTK, GDP của Việt Nam tăng 5,2% so với cùng kỳ trong Q4/21, cao hơn dự báo của VNDIRECT (trước đó VNDIRECT dự báo GDP Q4/21 tăng 3-3,5% so với cùng kỳ) do cả ba trụ cột của nền kinh tế đều phục hồi nhanh hơn mong đợi.

Trong ba trụ cột chính của nền kinh tế, ngành dịch vụ phục hồi vượt kỳ vọng của VNDIRECT nhất. Cụ thể, ngành dịch vụ tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ trong Q4/21, phục hồi từ mức giảm 8,6% so với cùng kỳ trong Q3/21. Điều này đánh dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất của lĩnh vực dịch vụ kể từ Q1/20, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Báo cáo nêu rõ, sự cải thiện mạnh mẽ của các ngành được thúc đẩy chủ yếu bởi:

Việt Nam tăng chi cho hoạt động tiêm chủng. Trong Q4/21, Việt Nam đã tiêm 100 triệu liều vaccine phòng virus COVID-19 (chiếm 70% tổng số liều tiêm tính đến hết Q4/21). Từ đó, GDP cho y tế và công tác xã hội tăng 92,7% so với cùng kỳ lên 33.948 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với GDP của ngành này tăng 11,2% so với cùng kỳ trong Q4/21 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt và thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ.

Hoạt động bán buôn và bán lẻ phục hồi sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, GDP bán buôn và bán lẻ tăng 4,9% so với cùng kỳ trong Q4/21 sau khi sụt giảm khá nặng nề trong Q3/21 (-17,1% so với cùng kỳ).

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục hồi bền vững kể từ tháng 10/2021

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới  - Ảnh 1.

Nguồn: TCTK, VNDIRECT

Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng GDP

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới  - Ảnh 2.

Nguồn: TCTK, VNDIRECT

Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 5,6% so với cùng kỳ trong Q4/21, đây là mức tăng mạnh so với mức giảm 5,5% so với cùng kỳ trong Q3/21 và tương đương với mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm ngoái.

Sự phục hồi tích cực của ngành công nghiệp và xây dựng trong Q4/21 được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chuỗi cung ứng sản xuất đang dần hồi phục sau khi Việt Nam nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Ngoài ra, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài tăng mạnh đối với hàng hóa lâu bền và sản phẩm tiêu dùng. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tích cực trong Q4/21.

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới  - Ảnh 3.

Chỉ số Quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam cũng cho thấy sự cải thiện tích cực khi leo lên trên mức 50 điểm (ngưỡng mở rộng hoạt động sản xuất) trong giai đoạn từ tháng 11-12 năm 2021.

PMI duy trì trên mức 50 điểm

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới  - Ảnh 4.

Nguồn: TCTK, VNDIRECT

Các ngành nông, lâm nghiệp vẫn cải thiện tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 bất chấp đại dịch

VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới  - Ảnh 5.

Nguồn: TCTK, VNDIRECT

Cuối cùng, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở mức đáng khích lệ là 3,2% so với cùng kỳ trong Q4/21, cải thiện từ mức tăng trưởng 1,2% so với cùng kỳ trong Q3/21.

Sự cải thiện trong lĩnh vực này chủ yếu nhờ xuất khẩu thủy sản phục hồi mạnh mẽ trong Q4/21. Trong năm 2021, GDP thực tế của Việt Nam tăng 2,6%, giảm so với mức tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020 do tác động mạnh mẽ của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư bởi biến thể Delta gây ra.

VNDIRECT nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng lại “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.

Các yếu tố nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.

Đáng chú ý, dự báo của VNDIRECT dựa trên các giả định chính sau:

Nền kinh tế toàn cầu có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ vào năm 2022 (so với tốc độ tăng trưởng dự kiến năm 2021 là 5,9% so với cùng kỳ). Cần lưu ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt trung bình khoảng 2,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019 (trước đại dịch COVID-19). Nhờ triển vọng tăng trưởng toàn cầu bền vững, VNDIRECT kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2022.

Khoảng 75-80% dân số Việt Nam sẽ được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ trong quý đầu tiên của năm 2022. VNDIRECT kỳ vọng tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn đại dịch thành công.

Các chuyến bay thương mại quốc tế có thể được nối lại từ Q1/22, điều này sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động của ngành du lịch vào năm 2022, một trong hai động lực chính cho sự phục hồi lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, cùng với sự cải thiện của cầu tiêu dùng trong nước. Du lịch đóng góp hơn 9,5% vào GDP của Việt Nam vào năm 2019 và tạo ra 2,9 triệu việc làm, bao gồm 927 nghìn việc làm trực tiếp.

Tuy nhiên, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong giai đoạn 2020-2021. Lượng khách quốc tế năm 2020 đạt 3,7 triệu lượt (-80% so với cùng kỳ), trong khi khách nội địa đạt 56 triệu lượt (-34% so với cùng kỳ).

Tổng thu từ du khách năm 2020 đạt 312 nghìn tỷ đồng (- 59% so với cùng kỳ). Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu từ khách du lịch tiếp tục sụt giảm 42% so với cùng kỳ, còn khoảng 137 nghìn tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, VNDIRECT kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế cũng như nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ kể từ năm 2022.

Cuối cùng, VNDIRECT kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn hơn và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối Q2/22 để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

VNDIRECT cũng kỳ vọng lượng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ phục hồi mạnh vào năm 2022 khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước cũng như khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có thể phục hồi mạnh nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau đại dịch.

https://cafef.vn/vndirect-gdp-viet-nam-du-kien-tang-75-vao-nam-2022-thuc-day-boi-hang-khong-fdi-va-goi-kich-thich-kinh-te-sap-toi-20220118100900507.chn

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên